Một lý do khiến trung tâm thương mại thu hút lượng khách đông đảo, ngày càng lấn lướt mô hình chợ truyền thống là vì nhà vệ sinh sạch sẽ và mát.

Báo cáo về thị trường bán lẻ hiện đại và loại hình trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội nhân sự kiện khai trương trung tâm mua sắm cao cấp Pico Mall tại quận Đống Đa hôm 30/8, ông Richard Leech - GĐ điều hành CBRE nhận định, tổng cung hiện tại toàn thị trường TTTM tuy nhỏ bé với tổng diện tích đạt 850.000m2 vào cuối năm nay, nhưng chỉ 3 năm nữa, con số này sẽ tăng vọt lên trên 3 triệu m2 sàn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.


Thu nhập bình quân đầu người tăng lên; phong cách mua sắm tiêu dùng hiện đại; sản phẩm, dịch vụ và tiện nghi ngày càng đa dạng, hoàn thiện, trong đó "toalet sạch sẽ" là các lý do cơ bản khiến lượng khách chuyển dần từ chợ truyền thống sang mua sắm tại TTTM.


Tuy nhiên, đại diện CBRE vẫn lưu ý rằng, các chợ và cửa hàng mặt phố không vì thế mất dần, mà ngược lại, vẫn tồn tại với ý nghĩa truyền thống và tiện ích của nó.


Đơn cử các cửa hàng mặt phố đắc địa, gần khu vực trung tâm, đông dân cư luôn là lựa chọn số một của các nhà bán lẻ, các nhãn hàng thời trang từ trung đến cao cấp, từ trong đến ngoài nước như Louis Vuitton hay Nino Maxx..., với giá thuê có thể đạt trên mức 150 đôla/m2 - đứng đầu thị trường.


Vẫn còn sơ khai


Vì nguồn cung đang và sẽ còn tăng mạnh vài năm tới, vì thế hiện tại, TTTM được cho là mảng còn nhiều tiềm năng phát triển nhất so với các loại hình và phân khúc bất động sản đang dư thừa nguồn cung như căn hộ hạng trung, cao cấp, văn phòng cho thuê.


Theo ông Micheal Vong, người được cho có nhiều kinh nghiệm quản lý tòa tháp đôi nổi tiếng tại thị trường đi trước ngành bán lẻ Việt Nam hơn chục năm là Malaysia, nay là GĐ Trung tâm Pico Mall, so với các thành phố phát triển ở khu vực châu Á, diện tích bình quân mặt sàn TTTM/đầu người của Hà Nội và TP.HCM vẫn thấp hơn gấp rất nhiều lần, kể cả tính đến tổng cung hơn 3 triệu m2 sàn vào năm 2014.


Không chỉ vậy, giới chuyên môn đánh giá sự phát triển của mô hình TTTM mới còn ở giai đoạn khá sơ khai khi ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng rất thiếu những trung tâm thực sự quy mô, rộng lớn, bài bản, thu hút các đối tượng kinh doanh và mua sắm hiệu quả.


Do là lĩnh vực mới hình thành, các nhà đầu tư còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý, điều hành, cho nên khâu chăm sóc, dịch vụ hướng đến khách hàng chưa tốt, đã bỏ sót nhiều cơ hội bán hàng cho người mua. Thị trường cũng xuất hiện nhiều hoạt động marketing nhưng tính chất chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao - ông Richard Leech nhận xét.


Theo vị lãnh đạo CBRE, để nâng cao hiệu quả trong từng sự kiện của các TTTM, các nhà đầu tư, kinh doanh phải chú trọng làm tốt 3 chữ P, bao gồm Product - sản phẩm, Price - giá cả Promotion - khuyến mãi.


Ngoài ra, thế mạnh của một TTTM là có một ban quản lý chung góp phần tạo cơ hội làm việc, tiếp xúc giữa các thành viên, đưa ra các chiến lược phát triển tổng thể cho cả khu.


Không bỏ qua thứ gì


Thường xuyên tiếp xúc và làm việc với chủ đầu tư các dự án TTTM tại thị trường Hà Nội, đại diện một doanh nghiệp trong nước giàu kinh nghiệm tư vấn và quản lý lĩnh vực này chia sẻ với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, đầu tư vào lĩnh vực TTTM có thể coi là khó nhất so với các loại hình BĐS khác bởi tính chất đặc thù của nó.


Nếu như xây dựng một tòa nhà chung cư hay văn phòng cho thuê, người ta chỉ quản lý, sắp xếp số lượng vài trăm đến khoảng 1.000 người hầu như cố định, thì ở TTTM là con số rất lớn tới vài chục nghìn người thường xuyên ra vào và rất đa tạp nhiều thành phần trong một không gian rộng lớn.


Việc sắp xếp, tổ chức bao quát dòng người nói trên sao cho trật tự, an toàn mà vẫn đảm bảo sự thu hút, sôi nổi thì chủ đầu tư và nhà quản lý dường như phải quan tâm quán xuyến tất cả mọi thứ, nghiên cứu kỹ càng tâm lý, thói quen của khách hàng, kể cả những chi tiết rất nhỏ.


Chia sẻ từ chính kinh nghiệm của mình khi còn quản lý điều hành một TTTM lớn mới đi vào hoạt động tại Hà Nội cách đây dăm bảy năm, khi tỷ lệ cho thuê tại TTTM lúc ấy mới đạt 20%, vị này cho biết đã giao người chuyên đứng trước cửa để đếm số lượng người ra vào TTTM mỗi ngày và quan sát cặn kẽ hoạt đống, thói quen của khách hàng.


Theo đó phát hiện nhiều bất ngờ thú vị, đó là khi TTTM còn mới mẻ, trong số trung bình 1.800 khách đến mỗi ngày, thì có tới khoảng 500 người (chiếm gần 1/3) vào để đi toalet và tạt ngang tránh nắng nóng thay vì đi bộ trên vỉa hè đường.


Quyết định đi đến TTTM chiếm tới già nửa - 60% xuất phát từ phụ nữ; 15-20% từ trẻ em và phần còn lại của nam giới. Chính vì vậy thiết kế, quản lý một TTTM phù hợp với tâm lý, thói quen của phụ nữ cũng là một yếu tố rất quan trọng.


"Nghiên cứu một cách tỷ mỷ và bài bản để hiểu thấu khách hàng của mình, từ đó đưa ra các chiến lược PR, marketing và truyền thông hiệu quả cũng là một trong nhiều bước quan trọng tạo nên sự khác biệt và thu hút khách đến với TTTM" - vị này đúc rút.


Quan sát nhiều TTTM hiện không chịu làm các hoạt động marketing tổng thể; thông tin truyền thông đến người tiêu dùng chưa kịp thời, do đó ít được khách hàng biết đến, ông Trịnh Đức Tuấn - Phó Tổng GĐ Công ty Bất động sản Pico cho hay, đơn vị là sẽ quan tâm mạnh mẽ đến khâu này, đặc biệt là đẩy mạnh giao tiếp thông qua trang web thông tin, hỗ trợ khách hàng để tạo điểm nhấn khác biệt".

Theo Nguyễn Nga (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.