06/06/2013 10:07 AM
Bên trong vẻ êm ả của thị trường bất động sản (BĐS), cuộc chiến về "mặt bằng bán lẻ” của các thương hiệu trong lĩnh vực thức ăn và đồ uống (F&B - Food & Beverage) lại bắt đầu tái khởi động.

Không thể lơ là

Trong tài liệu hướng dẫn các nhà xuất khẩu, Tổ chức Thương mại và Doanh nghiệp của New Zealand (New Zealand Trade and Enterprise) đã chỉ rõ những "lợi thế vàng" của thị trường Việt Nam, yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp F&B phát triển, đó là dân số hơn 80 triệu, tốc độ đô thị hóa...

Theo tổ chức này, giá trị của ngành này trong năm 2011 ở vào khoảng 33,7 tỷ USD và đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng mỗi năm sẽ đạt 18,9%.

Chỉ riêng ngành thực phẩm, trong giai đoạn 2011 - 2013, tốc độ tăng trưởng dao động từ 3,7 - 4,3%; trong đó, nhóm các cửa cửa hàng thức ăn nhanh và hệ thống nhà hàng nói chung có sự bứt phá mạnh mẽ với con số 10% đến năm 2015. Điều kiện thuận lợi này là cơ hội thu hút các thương hiệu đồ ăn, thức uống nổi tiếng trên thế giới.

Theo một số doanh nghiệp nhượng quyền và kinh doanh mô hình chuỗi thức ăn nhanh và nhà hàng tại TP.HCM, điều khiến họ quan tâm là đối thủ đã đi đến đâu, họ sẽ mở cửa hàng mới ở vị trí nào và chiến lược mở rộng số lượng cửa hàng trong một khoảng thời gian nhất định ra sao...

Cụ thể, KFC và Lotteria đang bám sát thông tin về thời điểm McDonalds vào Việt Nam và cửa hàng đầu tiên của "người khổng lồ” này sẽ "cư ngụ” tại đâu. Trong khi đó, thông tin về cửa hàng thứ hai của thương hiệu cà phê hàng đầu nước Mỹ, Starbucks đang được giới tìm kiếm mặt bằng khoanh vùng xung quanh khu vực nhà thờ Đức Bà (Q.1).

Chính những thông tin này đã tạo nên "khí thế” cho phân khúc mặt bằng thương mại bứt phá khỏi vẻ ảm đảm của thị trường BĐS. Trên thực tế, trước khi Starbucks gia nhập Việt Nam, cà phê Trung Nguyên cũng đã khởi động hàng loạt cửa hàng ở khu vực trung tâm nhưng xem ra không dễ dàng để trở thành đối trọng với Starbucks.

Bên cạnh việc dè chừng những tên tuổi đang hiện diện trên thị trường, các "đối thủ” vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng để thu nạp thông tin về những người sắp đến.

Theo đại diện Công ty TNHH Thương mại Việt Cà phê, điều hành chuỗi Coffee Bean & Tea Leaf (còn gọi là The Bean), họ đang tiếp tục nhượng quyền một thương hiệu F&B từ nước ngoài, với mô hình nhà hàng có nhân viên phục vụ, bên cạnh chuỗi cà phê The Bean và chuỗi thức ăn nhanh Subway hiện nay mà Công ty đang phát triển tại Việt Nam.

Trong khi đó, một chuỗi cà phê đến từ Nhật Bản cũng đã tìm hiểu thị trường Việt Nam. Riêng với Pacific Coffee của Hồng Kông, theo những thông tin bên lề, thương hiệu cà phê nổi tiếng Hồng Kông này (hiện có cửa hàng nhượng quyền tại Singapore, Malaysia, Macau, Trung Quốc) đã gần như đặt một chân vào Việt Nam, chỉ chờ đúng thời điểm là công bố.

Sự kích hoạt của ngành công nghiệp F&B một lần nữa khiến cuộc đua về mặt bằng giữa các thương hiệu lớn càng trở nên hấp dẫn về cuối năm.

Chiến lược "bao vây trung tâm"

Trong ngành F&B hiện đang phân chia thành hai hướng rõ rệt. Theo đó, với những thương hiệu thức ăn nhanh, do phục vụ số đông và buộc phải mở rộng liên tục nên yêu cầu về mặt bằng khá "dễ thở".

Đại diện của Lotteria cho rằng, nếu trước đây, họ chuộng các mặt bằng lớn, ngay vị trí trung tâm thì nay, các nhà hàng của Lotteria chấp nhận mặt bằng ở các tuyến đường nhỏ và diện tích bị hạn chế hơn. Hay nói một cách dễ hiểu thì ngày nay, cửa hàng thức ăn nhanh phát triển ở mọi nơi tại TP.HCM.

Song, điều này, cũng tùy thuộc vào chiến lược của từng hãng, có những hãng chỉ "đánh" vào mặt bằng tại các trung tâm thương mại, trong khi có hãng lại đi vào khai thác khách hàng ở khu dân cư. Lẽ dĩ nhiên, không phải cửa hàng nào mở ra cũng "bách thắng" nhưng chí ít trong vài năm đầu, các thương hiệu chỉ đặt trọng tâm vào việc tăng độ phủ so với đối thủ.

Hướng thứ hai trong ngành F&B là đối với các tên tuổi thuộc nhánh đồ uống, có quy mô như Starbucks, Gloria Jeans Coffee hay The Bean, do đối tượng phục vụ của họ là tầng lớp có thu nhập cao và chi phí đầu tư cho mỗi cửa hàng không nhỏ (trên dưới 500.000 USD/cửa hàng) nên họ "đánh mạnh" vào khu vực trung tâm (CBD).

Điều này cũng có nghĩa, bán kính để họ theo dõi động tĩnh của đối thủ cũng được giới hạn trong phạm vi hẹp hơn (không như các cửa hàng thức ăn nhanh, phát triển ra tận khu vực ngoại thành, như trường hợp Lotteria mở cửa hàng tại siêu thị Coop Mart Củ Chi hay xuất hiện ở các tỉnh lân cận TP.HCM).

Theo một chuyên gia có kinh nghiệm khai thác mặt bằng cho một số thương hiệu F&B tại TP.HCM, lợi thế của thương hiệu ngoại là bản thân họ và cả những đơn vị nhượng quyền Việt Nam có tiềm lực tài chính nên không ngại vung tiền cho việc sở hữu mặt bằng đẹp.

Chiến lược của các đơn vị này là tiến tới "sự tiện lợi" về khoảng cách giữa các cửa hàng. Hay nói dễ hiểu là trong khu vực trung tâm, họ càng sở hữu nhiều mặt bằng càng tốt.

Cũng theo chuyên gia này, đôi khi động thái gom mặt bằng hàng loạt và đơn phương lên tiếng của vài cá nhân trước sự xuất hiện của một thương hiệu F&B lớn không đơn thuần là câu chuyện "té nước theo mưa", mà nhiều khi gửi thông điệp: "Tôi đang sở hữu những lợi thế về chuỗi mặt bằng, thứ mà các anh đang miệt mài tìm kiếm". Và đây có thể là khởi nguồn của một sự mặc cả hoặc mong muốn hợp tác.

- Công ty TNHH Thương mại Việt Cà phê đang tiếp tục nhượng quyền một thương hiệu F&B từ nước ngoài, với mô hình nhà hàng có nhân viên phục vụ, bên cạnh chuỗi cà phê The Bean và chuỗi thức ăn nhanh Subway.
- Pacific Coffee của Hồng Kông đã gần như đặt một chân vào Việt Nam, chỉ chờ đúng thời điểm là công bố.
Đỗ Hải (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.