14/07/2018 8:21 AM
CafeLand - Sau hàng loạt các vụ mất tiền lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng mà cả năm sau khách hàng mới biết xảy ra gần đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) đã quyết định mở dịch vụ báo biến động số dư tiết kiệm cho khách hàng.

Thông báo của Eximbank có đoạn viết: nhằm gia tăng tiện ích cho khách hàng gửi tiết kiệm, Eximbank đã triển khai dịch vụ “thông báo biến động số gửi, tiết kiệm có kỳ hạn” dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, khách hàng chỉ cần đăng ký 1 lần, hệ thống sẽ thông báo biến động số dư cho tất cả tiền gửi, sổ tiết kiệm”. Chương trình bắt đầu áp dụng từ ngày 4/7/2018.

eximbank mở dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản

Trước đó, trong vòng chưa đầy 2 tháng ở Eximbank đã xảy ra liên tiếp 3 vụ mất tiền gây xôn xao dư luận. Lớn nhất là vụ mất 245 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình (vợ của đại gia thuỷ sản Lê Văn Quang), cũng là khách hàng lâu năm, khách VIP của hệ thống Eximbank từ năm 2011.

Sau đó là vụ mất số tiền gửi lên tới 50 tỉ đồng của 6 khách hàng tại Eximbank Đô Lương (Nghệ An). Trong đó, ông Nguyễn Tiến Nam, một trong 6 người mất tiền trong vụ việc đã yêu cầu ngân hàng bồi thường ngay số tiền ông đã gửi. Nhưng kết quả thất bại, ngân hàng chỉ chấp nhận bồi thường 1,5 tỉ đồng trước trong khi ông Nam mất 27,8 tỉ đồng.

Được biết, điểm chung của các vụ mất tiền tỉ trong tài khoản tiết kiệm nêu trên của khách hàng Eximbank đều được phát giác khá muộn và quá trình rút ruột các sổ tiết kiệm này diễn ra trong thời gian dài.

Chẳng hạn như vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình. Quá trình diễn ra vụ việc rút ruột 245 tỉ đồng kéo dài từ năm 2014 và đến năm 2017 mới bị phát hiện. Vụ rút ruột 50 tỉ đồng cũng tương tự, diễn ra từ thời điểm năm 2012 và tới năm 2016 mới bị phát giác.

Tiền mất, lỗi ai thì khách hàng cũng thiệt

Về phía Eximbank, để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng giả chữ ký khách hàng rút tiền diễn ra âm thầm trong thời gian dài như vậy mới bị phát hiện, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, đây có thể là do “lỗi hệ thống”.

Cho đến thời điểm hiện tại, cách hành xử của ngân hàng Eximbank với các khách hàng là người bị hại là khá chậm chạp và khó hiểu khi một vài vị giám đốc, phó giám đốc đại diện cho ngân hàng đứng lên “nói tay đôi” với khách hàng trên mặt báo, đổ lỗi cho khách hàng khi để mất tiền gửi.

Hành xử với khách hàng là như vậy, nhưng ngân hàng lại khá sốt sắng, nhanh nhạy trong các thông báo gửi tới khách hàng về yêu cầu bảo mật thông tin hay kiểm tra số dư tài khoản thường xuyên sau khi có các sự cố.

Theo quan điểm của một số luật sư, chuyên gia ngân hàng, việc khách hàng gửi tiền vào ngân hàng không chỉ để sinh lời bằng lãi suất mà một nhu cầu quan trọng hơn là mua lấy sự tin tưởng, an tâm rằng tiền họ gửi vào nhà băng sẽ không thể chạy đi đâu được. Vì vậy, việc mất tiền trong thẻ ATM còn có thể chấp nhận được giải thích bằng nguyên nhân là do tội phạm công nghệ cao, rút tiền qua máy móc. Nhưng việc tài khoản tiết kiệm, chỉ là từ tay khách hàng tới ngân hàng mà cũng có thể “đột nhiên biến mất” gây lo ngại lớn trong niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng.

Không chỉ có thế, việc mất tiền thì ở quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, hành xử của Eximbank như vậy là đi ngược với thông lệ của các nước phát triển. Trong sự việc như vậy, đáng ra ngân hàng cần bồi thường cho khách hàng trước để lấy lại niềm tin, uy tín, hậu kiểm sau. Nhưng đáng tiếc là trong mọi câu chuyện mất tiền tại Eximbank hiện nay, khách hàng luôn ở thế yếu, buộc phải nhận phần thiệt thòi cả về tinh thần và vật chất về phía mình trước.

Hiện nay, Eximbank cung cấp thêm dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản tiết kiệm có thể làm khách hàng an tâm hơn khi biết số dư thường xuyên của khách hàng. Tuy nhiên, thiết nghĩ, đáng ra đó không phải là việc mà một khách hàng phải chịu trách nhiệm, bởi khi đã dùng tiền để mua lấy sự an tâm thì sảo lại phải ngày ngày kiểm tra xem nó còn hay mất?

  • Người cũ NamABank “thâu tóm” cổ phiếu Eximbank

    Người cũ NamABank “thâu tóm” cổ phiếu Eximbank

    CafeLand - Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú, tân thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng đã đăng ký mua 14 triệu cổ phiếu EIB. Nếu mua thành công số lượng cổ phiếu này thì người cũ của NamABank sẽ là người nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất trong các thành viên HĐQT ngân hàng này.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.