Thu tiền "tươi"
Do cần tiền gấp để trả nợ, anh Đinh Đức Thái (44 tuổi, nhà số 118/15 đường số 8, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) có rao tin bán nhà trên mạng internet. Không bao lâu, có rất nhiều nhân viên các công ty môi giới địa ốc nhắn tin liên lạc, trong đó có thể kể đến như Công ty TNHH Quản lý bất động sản Vietcomreal (Trụ sở: 2Bis Nam Quốc Cang, Q1; VPĐD: 170/45 Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) cử nhân viên xuống giao dịch trong quán cà phê. Theo đó cả hai thỏa thuận theo hợp đồng đồng ý mức hoa hồng cho công ty là 0%; phí ký gửi ban đầu là 800.000 đồng.
Nhân viên Công ty Vietland (trái) cố gắng thuyết phục khách hàng ký hợp đồng thu phí môi giới giá từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng tại quán cà phê vỉa hè. Ảnh: H.C
Tiếp đó là Công ty TNHH Sài Gòn Real (1/132A Nguyễn Văn Qúa, P.Đông Hưng Thuận, Q.12) ghi phiếu thu nhận tiền 500.000 đồng cho chi phí ký gửi ban đầu và chi phí môi giới cho công ty là 0,2% trên giá bất động sản.
Hay như Công ty Quản lý bất động sản Vietland địa chỉ 138 Lê Hoàng Phái, P.17, Q.Gò Vấp, TPHCM với nhiều chiêu “chồi mài” khách hàng bằng mọi cách để đạt được mục đích lấy... tiền "tươi". Trong khi người mua và người bán chưa hề gặp nhau, không biết mặt nhau, không nắm thông tin hai bên thế nào, nhưng nhân viên công ty lại oang oang nói chuyện qua điện thoại: “Tại sao chị không chịu ký vào hợp đồng nhanh đi, lại để khách hàng (người mua) của công ty đợi chị vậy”, v.v...
Điểm chung của những công ty nói trên là thu trực tiếp phí môi giới bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản một lần, thu phí trước khi giao dịch mua bán nhà đất diễn ra trong khi kết quả thì chưa biết thế nào.
Anh Nguyễn Đôn Kiểm - nhân viên Công ty Cổ phần BĐS Phú Nhuận, cho biết theo “quy định” của giới kinh doanh, mua bán nhà đất, chỉ tiến hành trả phí môi giới khi giao dịch giữa bên mua và bán diễn ra thành công. Còn những trường hợp công ty đòi lấy tiền phí ký gửi ban đầu từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng thì khách hàng nên suy nghĩ lại, bởi lúc này bên A (tức khách hàng) đang nắm phải “đằng lưỡi” con dao vì khi khách hàng giao tiền cho phía công ty môi giới bất động sản rồi, chưa chắc phía bên B (Công ty môi giới) giữ được cam kết như hợp đồng đã ký kết. Vì vậy thời gian qua có rất nhiều khách hàng nhẹ dạ cả tin bị những công ty này lừa đảo lấy tiền, trong khi giao dịch không thành công, nhà không bán được.
Trụ sở giao dịch Công ty Vietland không một bóng người. Ảnh: H.C
Trường hợp chị Nguyễn Hồng Ân (Q.11) , sau khi ký hợp đồng phí môi giới với một công ty bất động sản đóng trên địa bàn quận Gò Vấp, chị yên tâm về nhà chờ đợi "tin vui", thế nhưng đến nay đã hơn 4 tháng mà vẫn chưa thấy có kết quả gì khả quan, đồng thời cũng không nghe một ai trong công ty gọi điện thoại đến chia sẻ thông tin hay hồi lại tiền phí 50% theo hợp đồng.
“Với số tiền như vậy nhiều người bị lừa nghĩ không đáng bao nhiêu, nếu có đưa ra tòa kiện cáo cũng tốn thời gian công sức và chi phí rất nhiều nên đành cắn răng, nuốt cục giận vào trong, ngậm bồ hòn làm ngọt” – luật sư Trần Hải Anh nói.
Nhập nhằng tên giao dịch
Trong vai người cần bán nhà trên địa bàn quận Tân Phú, theo thông tin đăng tải trên mạng chúng tôi tìm đến địa chỉ 138 Lê Hoàng Phái, P.17, Q.Gò Vấp, TPHCM để tìm hiểu phương thức hợp đồng phí môi giới mua bán nhà đất thế nào.
Tại đây, ngoài bảng hiệu lớn treo tên Công ty TNHH Quản lý Thẩm định giá bất động sản Vietland, bên cạnh tường lại có treo một bảng tên vuông nhỏ hơn ghi công ty Sacomreal, website - www.sacomrealvn.com ; email - [email protected] ; điện thoại – 08. 3984. 1750.
Bước vào bên trong công ty chúng tôi không thấy bóng dáng ai ngoài mấy chiếc xe máy dựng trước cửa nhà. Đi sâu vào ra phía sau bếp chúng tôi bắt gặp một cô gái đang loay hoay dọn dẹp, tôi mới lên tiếng nhờ tìm gặp chủ để có việc trao đổi.
Thông báo việc mạo danh Sacomreal lừa đảo khách hàng. Ảnh: H.C
Cô gái bảo ngồi đợi rồi lên lầu báo tin cho ai đó, lát sau có một cô gái xưng là nhân viên tư vấn cao cấp của công ty muốn trao đổi cùng chúng tôi. Tuy nhiên sau vài câu hỏi “khó” cô bỏ đi lên lầu nhờ giám đốc xuống nói chuyện.
Tiếp chúng tôi, ông Huỳnh Quốc Đạt – Giám đốc công ty Vietland, đưa ra một bản hợp đồng trong đó nêu chi tiết các vấn đề liên quan đến việc mua bán, trao đổi, ký gửi nhà đất.
Theo đó, ông Đạt đề nghị mức phí môi giới thu một lần theo quy định công ty là 1.000.000 đồng, ngoài ra không hề “ăn” bất kỳ một đồng nào khác. Với lý do không mang đủ tiền mặt, thấy chúng tôi năn nỉ ỉ ôi một hồi, ông Đạt nói thẳng “Vậy hiện trong người anh có bao nhiêu tiền. Nếu không đủ thì tôi lấy chắc giá 500.000 đồng”.
Nói rồi ông Đạt đưa ra các giấy tờ khác như giấy thẩm định bất động sản có sự "góp mặt" của Hiệp hội bất động sản Việt Nam - ISO 9001-2000, giấy phép kinh doanh bản photo công chứng... như muốn khẳng định công ty ông kinh doanh, làm ăn chân chính, đúng pháp luật.
Tuy nhiên trong giấy thẩm định bất động sản, chúng tôi phát hiện chi tiết khá thú vị, một văn bản pháp lý một công ty mà có đến hai tên giao dịch khác nhau, lúc thì tên Sacomreal, lúc thì tên Vietland. Mang thắc mắc hỏi thì được giám đốc Đạt lý lẽ, do trước đây công ty ông có liên kết, hợp tác làm ăn với Sacomreal nên trong văn bản còn lưu lại (!?).
Trong khi xem giấy phép kinh doanh mới nhất của ông Đạt đưa ra thì được biết công ty ông Đạt đã có hai lần "thay tên đổi họ”, một lần tên gọi là Sacom, lần khác là Sacomreal và hiện tại sử dụng tên Vietland để giao dịch.
Mượn đầu dê nấu cháo
Theo tìm hiểu PV VTC News, thời gian gần đây, Công ty TNHH MTV kinh doanh – dịch vụ điạ ốc Sài Gòn Thương Tín, tên giao dịch Sacomreal đã nhận rất nhiều khiếu nại bằng điện thoại và email của khách hàng về việc có một số công ty, cá nhân mạo danh sàn giao dịch bất động sản Sacomreal nhằm lừa gạt phí môi giới.
Nhái thương hiệu Sacomreal của Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín nhằm lừa gạt khách hàng. Ảnh: H.C
Qua tiếp cận các khách hàng khiếu nại và xác định tên công ty mạo danh là Công ty TNHH Quản lý - Thẩm định giá bất động sản Sacomreal, điạ chỉ - 138 Lê Hoàng Phái, P.17, Q.Gò Vấp, Tp.HCM ; Website -www.sacomrealvn.com; Email - [email protected]; Điện thoại – 08. 3984.1750. (địa điểm này cùng chung trụ sở Công ty Vietland)
Mạo danh thương hiệu lo go công ty khác là vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, lừa gạt khách hàng lấy tiền là hành vi vi phạm pháp luật. Luật sư Hải Anh |
Hình thức lừa đảo, đơn vị mạo danh Sacomreal tự nhận là nhân viên, công ty liên kết hoặc công ty con của Sacombank để liên hệ và thực hiện giao dịch với khách hàng.
Theo tìm hiểu, hầu hết các nạn nhân là những đối tượng khách hàng tại TP.HCM và miền Tây có nhu cầu về việc bán nhà, đất nhanh chóng. Lợi dụng điều này, đơn vị mạo danh Sacomreal tiến hành ký hợp đồng môi giới và thu ngay mức phí môi giới từ 700.000 đồng đến 3.000.000 đồng nhưng không thực hiện như nội dung trong hợp đồng.
"Mạo danh thương hiệu lo go công ty khác là vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, lừa gạt khách hàng lấy tiền là hành vi vi phạm pháp luật. Những trường hợp này pháp luật cần xử lý nghiêm để không ảnh hưởng đến những doanh nghiệp, công ty làm ăn chân chính" - luật sư Hải Anh cho biết.
Ngày 25/10/2012 ông Ngô Vĩ Hùng - Phó Tổng giám đốc Sacomreal, đã ra thông báo đến tất cả khách hàng, mọi hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản của Sacomreal được thực hiện duy nhất thông qua hệ thống sàn giao dịch Sacomreal-S (Công ty TNHH MTV KD DV điạ ốc Sài Gòn Thương Tín).
Nhằm bảo vệ khách hàng, cũng như uy tín và thương hiệu của mình, Sacomreal đã đưa vấn đề vi phạm thương hiệu đến các cơ quan, ban ngành liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, Sacomreal cũng lưu ý quý khách hàng nên cẩn trọng trong các giao dịch.
Trong quá trình giao dịch nếu khách hàng gặp phải các trường hợp mạo danh liên hệ đến Văn phòng Sacomreal-S41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, Tp.HCM ; Điện thọai – 08.3520.7888.