04/06/2022 8:32 AM
Chưa kịp vui mừng khi lần đầu tiên mua được căn nhà ở thành phố, nhiều người đang phải tìm cách bán lại, thậm chí chấp nhận cắt lỗ để thoát gánh nặng ngân hàng. Tuy nhiên, việc này không dễ do thị trường cũng đang “rớt” thanh khoản.

Giấc mơ thành ác mộng

Năm 2020, vợ chồng anh Bình đạt được giấc mơ nhiều người khao khát là mua được căn nhà đầu tiên ở TP.HCM. Đó là căn hộ nhỏ khoảng 50m2 có giá 1,8 tỉ đồng tại một dự án ở TP. Thủ Đức.

Để mua nhà, anh Bình phải vay mượn ngân hàng và người thân khoảng hơn 1 tỉ đồng. Mỗi tháng số tiền trả lãi, gốc khoảng 12 triệu đồng. Trong khi tổng thu nhập 2 vợ chồng là 40 triệu đồng nên anh Bình không quá áp lực.

Tuy nhiên, hiện tại thu nhập của hai vợ chồng không còn như trước, trong khi vật giá lại đang tăng chóng mặt. Sau nhiều lần cân nhắc, anh Bình quyết định bán căn nhà để không quá áp lực nợ nần.

Thế nhưng rao bán từ tháng 3/2022 với giá 1,95 tỉ đồng anh Bình vẫn không tìm được người mua.

“Môi giới bảo giảm giá thêm may ra mới bán được nhưng mình không thể vì giá đó mình đã chấp nhận lỗ tiền ngân hàng rồi”, anh Bình nói.

Thị trường bất động sản đang tụt giảm thanh khoản

Cũng lần đầu tiên mua nhà nhưng chị Ngọc lại chọn căn hộ tại một dự án đang xây dựng ở quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức).

Theo chị Ngọc, mục đích chính là mua để đầu tư hi vọng bán lại kiếm lời vì thời điểm đó dự án này rất được thị trường quan tâm. Mặt khác, chủ đầu tư cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như được ân hạn nợ gốc trong 1 năm đầu, tặng quà có giá trị.

Tuy nhiên, hết thời hạn ưu đãi chị Ngọc phải gồng mình trả lãi gốc cho ngân hàng mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, trong khi giá bán căn hộ gần như không tăng như kỳ vọng.

Không muốn bị lún sâu thêm, chị Ngọc nhờ môi giới rao bán lại nhưng không tìm được người mua dù đã rao bán với giá gốc.

Tường Vi, một môi giới bất động sản cho biết, thị trường hiện nay đang gặp khó khăn, thanh khoản tụt giảm do thông tin siết tín dụng của ngân hàng và kinh tế khó khăn do lạm phát.

Theo môi giới này, đang có một làn “sóng ngầm” chấp nhận bán cắt lỗ để thoát hàng trên thị trường. Trong đó, có nhiều người lần đầu tiên mua nhà để ở hoặc đầu tư nhưng sử dụng vốn vay ngân hàng quá nhiều.

“Khách em có nhiều F0 mua nhà để ở lẫn đầu tư đều đang than thở nhờ bán em bán lại nhưng không dễ tìm được người mua.”, Vi nói.

Để không thành con nợ của ngân hàng

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, để mua được nhà ở thành phố phần lớn người dân đều sử dụng vốn vay ngân hàng. Đây là công cụ hữu hiệu để rút ngắn thời gian mua được nhà so với việc chỉ dựa vào thu nhập. Thậm chí có thể nhân nhanh tài sản nếu biết sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ trước khi vay thì rất dễ trở thành “con nợ” của ngân hàng. Viễn cảnh cả đời còng lưng trả nợ cho ngân hàng là điều không ai mong muốn.

Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, một quy luật mà mọi người cần nhớ khi vay ngân hàng là quy luật 2 lần 50%: nghĩa là tiền vay không được vượt quá 50% giá sản phẩm và tiền trả hàng tháng không quá 50% tổng thu nhập hộ gia đình hàng tháng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn và có nhiều rủi ro thì tỉ lệ vay ngân hàng nên giảm xuống mức 30% để đảm bảo an toàn.

Anh Khang, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm cho biết, hai năm vừa qua do ảnh hưởng dịch bệnh covid mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn khiến dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản. Trong đó có nhiều người lần đầu tiên tham gia thị trường nhưng chủ yếu sử dụng vốn vay để đầu tư kiếm lời. Do đó, khi ngân hàng siết tín dụng, thị trường gặp khó thì đây là nhóm đầu tiên chịu áp lực phải bán ra, dù phải bán lỗ.

Theo anh Khang, để không thành con nợ của ngân hàng, trước khi vay nên xác định rõ mục đích nhu cầu vay là gì? Có thực sự cần thiết hay không? Chứ không nên chỉ nghe theo môi giới tư vấn hoặc đầu tư theo hiệu ứng đám đông.

Sau khi xác định mục đích nhu cầu, nếu quyết định vay thì phải làm bài toán thu nhập để xem xét tỉ lệ vay phù hợp. Bài toán thu nhập cần nhìn dài hạn chứ không chỉ dựa vào hiện tại. Ngoài nhu cầu thiết yếu cuộc sống hàng ngày, cần có các khoản dự phòng cho trường hợp bất trắc như mất việc, giảm thu nhập, ốm đau, tai nạn…

Kế đến là làm việc với ngân hàng xem vay thời hạn bao lâu thì phù hợp, lãi suất ưu đãi ra sao, đặc biệt là lãi suất sau thời gian ưu đãi, phí xử phạt khi trả trước hạn…

Bên cạnh đó, anh Khang lưu ý người mua không nên đặt cọc trước khi chưa được làm việc với ngân hàng hoặc chưa hiểu rõ các điều khoản cho vay.

Trong các buổi lễ mở bán nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới cam kết ngân hàng cho vay tới 70% giá trị nhưng lại không nêu rõ cụ thể như thế nào.

“Nếu đặt cọc luôn thì có hai khả năng. Một là khi làm việc với ngân hàng mình phải chấp thuận các điều kiện họ nêu ra. Hai là có thể hồ sơ mình không được duyệt, thậm chí ngân hàng từ chối cho vay như chủ đầu tư cam kết trước đó”, anh Khang nói.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.