20/10/2024 2:53 PM
Ngành xi măng Việt Nam có công suất sản xuất lên tới 100 triệu tấn/năm, nằm trong 3 nước đứng đầu thế giới, nhưng tiêu thụ mặt hàng này đang gặp khó ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Bộ Xây dựng mới đây tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2024, qua đó thông tin về một số kết quả đạt được sau 9 tháng đầu năm.

9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng ước tăng 7,48% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt trên 43,7%; tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị); tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 98,9%.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc hiện nay ước đạt 26,5m2 sàn/người, tăng 0,9m2 so với năm 2023. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 93%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch là 16%; tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt 18%.

Sản xuất và tiêu thụ xi măng 9 tháng đầu năm tương đương giai đoạn 9 tháng năm 2023

Trong công tác sản xuất vật liệu xây dựng, sản lượng sản xuất xi măng trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 66 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ đạt 66 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 311 triệu m2, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ khoảng 270 triệu m2 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.

Tương tự, sản lượng sản xuất vật liệu xây dựng đạt khoảng 16,7 tỷ viên, trong đó gạch đất sét nung là 12,9 tỷ viên.

Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến tích cực, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2030”, “Đẩy mạnh xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng”.

Xây dựng báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng...

Sau khi Chính phủ tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, đã được sự quan tâm, ủng hộ của các đơn vị liên quan. Các giải pháp khơi thông thị trường tiêu thụ cho ngành xi măng được các bên liên quan xem xét kịp thời.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, ngành xi măng đang đối mặt với khó khăn vô cùng lớn khi tiêu thụ nội địa ở mức thấp và xuất khẩu gặp khó khăn. Giá xi măng và clinker liên tục giảm, nhiều sản phẩm đang phải bán dưới giá thành sản xuất.

PGS.TS Lương Đức Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VNCA cho biết, thời điểm hiện tại, đầu ra ở thị trường nội địa rất khó khăn.

“Như mọi năm, ở thời điểm hiện tại nhu cầu sử dụng Xi măng rất cao nhưng năm nay thì trái lại, khiến nguồn cung tiếp tục dư thừa. Điều này buộc các doanh nghiệp sản xuất Xi măng phải tìm đến thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi xuất khẩu, Xi măng Việt Nam cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhất là với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc”, lãnh đạo VNCA thông tin.

Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), công suất sản lượng Xi măng của Việt Nam đạt khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 3 thế giới. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có công suất sản xuất Xi măng lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có quy mô sản lượng Xi măng lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.