Mất nhiều năm để gầy dựng công ty, nhưng chỉ sau hai năm dịch bệnh, Khoa đã trở về tay trắng cùng một khoản nợ. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hàng trăm công ty môi giới bất động sản quy mô nhỏ như Khoa phải rời bỏ thị trường.

“Siêu bão” Covid

Một đêm cuối tháng 6/2021, Khoa ngồi một mình giữa văn phòng vắng lặng, ngập chìm trong những suy nghĩ miên man. Gói thuốc lá 20 điếu lần lượt được đốt sạch. Ngoài kia, phố phường chưa bao giờ yên tĩnh đến thế, thỉnh thoảng có tiếng còi xe cứu thương xé toạc màn đêm. Đã gần một tháng, người dân TP.HCM phải ở trong nhà khi đợt dịch lần thứ tư đang bùng phát mạnh.

Đi một vòng quanh văn phòng, tay chạm từng chiếc ghế và cạnh bàn, nước mắt của Khoa như chực chờ rơi xuống. Căn phòng này từng rất nhộn nhịp với 30 con người năng động, mang nhiều hoài bão lớn. Nhưng ngày mai, nó sẽ được trả lại vì anh em đã lần lượt rời đi, Khoa cũng không còn kham nổi tiền mặt bằng.

Năm 2015, Khoa thành lập công ty môi giới bất động sản sau khi đã tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng từ nhiều năm làm môi giới. Nói là công ty cho oai, chứ thời gian đầu công ty chỉ có vài anh em đồng nghiệp chơi thân, cùng chí hướng với nhau.

Từ làm thuê ra làm chủ, Khoa đối diện vô vàn khó khăn do thiếu kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ. Cũng có lúc doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Thế nhưng, bằng ý chí và sự cố gắng không ngừng nghỉ, Khoa đã chèo lái “con tàu” của mình vượt qua khó khăn.

Thời điểm hoàng kim nhất, công ty của Khoa có đến 30 nhân viên. Thay vì tập trung ở TP.HCM, công ty mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh thành khác nhau. Nguồn sản phẩm cũng đa dạng hơn, từ căn hộ, nhà phố đến đất nền, biệt thự nghỉ dưỡng biển.

Thế nhưng, đúng lúc con tàu đang giương buồm ra biển lớn thì “siêu bão” mang tên Covid-19 ập đến nhấn chìm tất cả. Thời gian đầu, Khoa vẫn cố gắng duy trì hoạt động của công ty nhờ nguồn tiền dự trữ từ các năm trước. Cuối năm 2020 khi dịch được kiểm soát, Khoa khấp khởi mừng. Nhưng chỉ được vài tháng đầu năm 2021, đợt dịch thứ tư bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam.

Các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa được đưa ra với mức độ ngày mỗi tăng đã “đóng băng” toàn bộ thị trường bất động sản. Công ty không thể hoạt động, sau vài tháng Khoa không đủ tiền để duy trì mức lương cơ bản cho nhân viên. Nhiều anh em sau đó chủ động xin nghỉ để về quê tránh dịch hoặc chuyển sang làm việc khác để trang trải cuộc sống.

Và không chỉ có công ty của Khoa bị chao đảo trong cơn bão ấy.

Nhiều công ty bất động sản quy mô nhỏ gặp khó khăn bởi tác động nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 (Ảnh: T. Phong)

Anh Bình, trưởng phòng một công ty bất động sản TP. Thủ Đức, cho biết từ số lượng 100 nhân viên, sau đợt dịch vừa qua, công ty của anh còn lại chưa tới 50 người. Dù trong mấy tháng dịch, công ty duy trì hoạt động thông qua các ứng dụng công nghệ, nhưng đây chỉ là giải pháp chăm sóc khách hàng, cung cấp thông tin chứ không thể chốt giao dịch. Công ty chỉ bán đất nền vùng ven nên khách mua phải tới tận nơi, sờ tận tay.

Nguồn thu bị tụt giảm buộc công ty phải cắt giảm nhiều chi phí. Phải rất cố gắng lắm công ty mới duy trì được mức lương cơ bản 50% cho nhân viên. “Lương cơ bản của môi giới chỉ có 5 triệu còn bị giảm một nửa trong khi trước dịch thu nhập của anh em trung bình từ 25-30 triệu đồng mỗi tháng. Với số tiền 2,5 triệu đồng không đủ trả tiền ăn, ở nhà trọ nên nhiều người xin nghỉ việc để về quê hoặc chuyển qua làm việc khác như giao hàng, bán hàng online để có thêm thu nhập”, anh Bình cho biết.

Minh Tú, nhân viên môi giới tại một tập đoàn bất động sản lớn, cho biết năm qua cô chỉ có giao dịch trong hai quý đầu, từ khi dịch bùng phát cô không có thêm hợp đồng nào nữa. Trong hai tháng cao điểm của dịch, Minh Tú quyết định về quê để không bị stress. Tới giờ, cô vẫn bị ám ảnh khi nghĩ về những ngày phải nhốt mình trong bốn bức tường ở thành phố, phải đối diện với nỗi lo công việc bấp bênh, trong khi số ca bệnh không ngừng tăng được thông báo ra rả trên tivi mỗi ngày.

Hằng trăm công ty chết lâm sàng

Trong hai năm bị dịch bệnh tàn phá, số lượng doanh nghiệp đăng ký phá sản, tạm ngừng hoạt động tăng cao kỷ lục. Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao nhất.

Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2020 có thời điểm 800/1.000 doanh nghiệp môi giới bất động sản phải “ngủ đông” hoặc giải thể. Trong năm 2021, tình hình không khá hơn, nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại.

Những con số được đưa ra trong một khảo sát của Hội môi giới bất động sản vào tháng 9/2021 tại 500 đơn vị hội viên (với gần 75.000 lao động) trên cả nước đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh.

Một công ty môi giới bất động sản ở TP. Thủ Đức chưa thể quay trở lại hoạt động dù thành phố đã mở cửa (Ảnh T. Phong)

Cụ thể, có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng.

Thống kê cũng cho thấy, có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Có 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

“Khoảng 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch). Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Khoảng 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động”, theo báo cáo của Hội môi giới.

Dù doanh thu giảm sút, thậm chí không có nguồn thu nhưng khoảng 70% sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp không được hỗ trợ lãi suất vay vốn từ ngân hàng. Cụ thể, chỉ có 3% được hỗ trợ hoãn, giãn trả gốc vay, 5% được hỗ trợ tiếp tục vay vốn để trả lương và phục vụ sản xuất kinh doanh, 7% được hỗ trợ điều chỉnh giảm lãi suất, 85% không được hỗ trợ.

Tại TP. Thủ Đức, nhiều tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, Lã Xuân Oai, Nguyễn Xiển… từng được ví như phố địa ốc bởi hàng loạt công ty môi giới bất động sản nhỏ được mở ra san sát, hoạt động nhộn nhịp, nhưng tình cảnh hiện nay lại trái ngược hoàn toàn.

Ngay cả khi TP.HCM bắt đầu nới lỏng và chính thức mở cửa trở lại từ ngày 1/10/2021 thì nhiều công ty bất động sản trên các tuyến đường này vẫn im ỉm, trụ sở công ty đóng kín, không có dấu hiệu của hoạt động kinh doanh.

Giám đốc một sàn giao dịch ở đây cho biết lý do không mở cửa là vì một số công ty đã kiệt quệ, phá sản phải trả mặt bằng. Một số khác thì lo lắng không biết có nên đóng tiếp hay mở vì dịch bệnh còn diễn biến khó lường, trong khi thị trường khan hiếm nguồn cung, tâm lý khách cũng chưa mặn mà mua. Số còn lại dù muốn mở cửa nhưng lại không được vì nhân viên đã bỏ về quê tránh dịch chưa biết khi nào trở lại.

Sau cơn giông trời sẽ sáng

Sau khi trả mặt bằng, công ty của Khoa chỉ còn 5 anh em chủ chốt. Trước mắt, mỗi người sẽ “tự bơi” để lo cho mình trước, khi tình hình ổn hơn sẽ cùng nhau về gầy dựng lại công ty.

Đại dịch Covid-19 đã cướp mất của Khoa mọi thứ. Anh không chỉ trở về tay trắng mà còn phải gánh thêm một khoản nợ. Thế nhưng, khi bình tâm ngẫm lại, Khoa thấy mình may mắn vì còn được sống.

“Đợt dịch vừa qua tôi thấy sự sống, bình an của bản thân, gia đình là tài sản quý giá nhất. Với tài sản này cùng kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ đã gây dựng thì mình sẽ làm lại mọi thứ”, Khoa nói.

Môi giới bất động sản mong đợi năm 2022 thị trường sẽ hồi phục, công việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn

Đại dịch mang đến cho Khoa khoảng nghỉ cần thiết để nhìn lại. Anh đọc nhiều sách hơn để bổ sung kiến thức, định hướng lại con đường sắp tới. Anh cũng có thời gian nhiều hơn để chăm sóc cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác. Khoa cho rằng, sau cơn mưa thì mặt trời sẽ ló dạng. Lúc đó cơ hội sẽ lại đến với những ai đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng.

Với anh Bình, trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của năm 2021, công ty anh đang đẩy mạnh bán hàng với một dự án đất nền ở Tiền Giang. Nếu như trước đây mỗi sản phẩm bán được tiền hoa hồng của anh em môi giới là một đồng, thì nay công ty trả ba, bốn đồng.

“Đây vừa là khích lệ tinh thần anh em bán hàng cũng là cách công ty bù đắp lại phần nào thu nhập bị giảm sút của nhân viên trong mấy tháng dịch. Qua đó, mọi người sẽ gắn kết để cùng vượt qua khó khăn”, anh Bình nói.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp thì cũng cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước để họ vượt qua khó khăn. Đơn vị này đề xuất một số giải pháp, cụ thể như cần xác định và bổ sung nhóm ngành bất động sản, trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.

Các doanh nghiệp nên được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản bảo hiểm xã hội, các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước để họ có nguồn tiền hỗ trợ lao động. Cần có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, thủ tục để giải phóng cho nhiều dự án đang “mắc kẹt” suốt nhiều năm qua. Khi nguồn cung mới được tăng lên thì các sàn giao dịch sẽ có thêm sản phẩm để phân phối tạo thêm nhiều việc làm.

  • Môi giới bất động sản xoay sở tìm khách

    Môi giới bất động sản xoay sở tìm khách

    Dịch bệnh khiến phương pháp tiếp thị, bán nhà đất trực tiếp của môi giới bất động sản không thể thực hiện. Để tìm khách trong mùa dịch môi giới tận dụng nhiều ứng dụng công nghệ, chạy quảng cáo, gọi điện nhưng hiệu quả không cao.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.