05/09/2023 4:20 PM
Giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm chênh lệch tỷ giá, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá điện...

Đây là một trong những điểm mới tại dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng.

Trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, theo dự thảo thông tư vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.

Giá điện có thể gánh thêm khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ của EVN

Cụ thể, công thức tính giá điện bình quân ngoài các chi phí của khâu phát, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ, còn tính thêm các yếu tố gắn với giá thành sản xuất, như chênh lệch tỷ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ.

Theo đó, các thông số mới được bổ sung sẽ lấy căn cứ trên báo cáo tài chính được kiểm toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Năm 2022, EVN ghi nhận doanh thu đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chiếm 98% doanh thu là tiền bán điện với 456.000 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng nhưng EVN vẫn lỗ tới 20.747 tỷ đồng do biến động quá cao của giá nhiên liệu (than, dầu, khí) cho phát điện.

Ngoài ra, tập đoàn này còn khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá khoảng 14.725 tỷ đồng trong 4 năm (2019-2022) chưa được hạch toán, theo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất điện năm 2022 của Bộ Công Thương.

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, giá nhiên liệu đã tăng cao từ giữa quý 1/2022, làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, giá bán lẻ điện được giữ ổn định nên kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2022 của EVN bị lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng cân đối tài chính của EVN.

Bên cạnh đó, Quyết định 24 cũng chưa quy định cụ thể việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch.

"Điều này gây khó khăn cho EVN trong việc thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm quá khứ. Việc này phần nào ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn nhà nước của EVN nếu hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài," Bộ Công Thương cho biết.

Căn cứ quy định hiện hành tại Luật Giá, Bộ Công Thương cho rằng, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý. Do đó, cần hiệu chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân để làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Chủ đề: Thiếu điện
Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.