Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, du lịch là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các cuộc khủng hoảng thiên tai hay sự bất ổn chính trị. Do vậy, đại dịch y tế toàn cầu còn có tác động lớn hơn đến nguồn cầu du lịch thế giới nói chung và ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số điểm đến cụ thể nói riêng trong ngắn và trung hạn.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều hãng hàng không trên thế giới bao gồm Air Canada, American Airlines, British Airlines và Cathay Pacific đã đồng loạt giảm hoặc hủy chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.
Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra thông báo dừng khai thác tất cả các chuyến bay đi và đến giữa Việt Nam và các vùng có dịch tại Trung Quốc.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, chính phủ Trung Quốc cũng đặt ra những chính sách hạn chế xuất ngoại đối với người dân nước này. Điều này đã gây ra tổn thất lớn ở nhiều quốc gia do Trung Quốc hiện nay đang là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất trên thế giới.
Lo sợ nguy cơ lây nhiễm virus corona, không chỉ du khách Trung Quốc mà cả du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới có kế hoạch du lịch đến châu Á đều đã hủy tour và hủy đặt phòng khách sạn.
Tương tự, Việt Nam cũng đang đối mặt với những hậu quả tiêu cực gây ra từ đại dịch toàn cầu này.
Theo ông Gasparotti, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua, không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.
Ông Gasparotti cho rằng, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của con người thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona còn gây ra ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.
Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019.
Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019, theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa.
Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác.
Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7,8% trong vòng chín năm trở lại đây), dự kiến trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn.
Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ,… do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo báo cáo của STR, trong giai đoạn dịch SARS diễn ra (2002 – 2003), chỉ số doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trung bình của các khách sạn trong khu vực châu Á giảm đến hơn 4,5%.
Theo báo cáo gần đây của Bộ Du lịch Thái Lan, dịch bệnh do virus corona có thể khiến doanh thu ngành du lịch Thái Lan bị thiệt hại hơn 1,5 tỉ USD trong năm nay.
Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí.
Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cũng cho biết, nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
-
Thị trường bất động sản năm 2020 ít có nguy cơ xảy ra "bong bóng"
Trên cơ sở đánh giá, dự báo các yếu tố có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng năm 2020 thị trường này ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”.
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.
-
Thanh Hoá tăng vốn, dời tiến độ cho một khu thương mại, nghỉ dưỡng
UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Khu thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng Hoàng Tuấn tại phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn.