Có lẽ phong trào "Chiếm phố Wall" trong năm 2011 với khẩu hiệu "Chúng ta là 99%" sẽ khó có thể hình dung ra cái xác suất 1% còn lại ở TTCK Việt Nam vào năm 2012. Khi đó, triết lý "Nhà nước không bỏ rơi thị trường nào cả" sẽ có thể được ứng nghiệm.

Thị trường đầu cơ sinh ra trong tận cùng bi quan

Không khí những ngày sát Tết Nhâm Thìn thật kỳ quặc. Đường phố dường như vắng vẻ hơn, nhịp điệu sinh hoạt cũng trở nên lãng đãng hơn. Còn các thị trường cũng bị lây vào cái không khí xao lãng ấy.

Tết năm nay, sự kỳ quặc nhất là chính thị trường được hy vọng nhất - hàng hóa tiêu dùng - lại ủ dột một cách khác thường. Tại nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng, lượng khách hàng có vẻ vẫn không nhỉnh hơn số nhân viên là bao nhiêu. Mãi đến ngày nghỉ tuần cuối cùng của năm, mới thấy không khí Tết hiển hiện ở những nơi này.

2011 có thể được xem là năm "suy thoái kép", tiếp sau thời khủng hoảng 2008. Hệ quả của năm qua là hàng tồn kho chất đống trong rất nhiều ngành nghề. Nhưng khác với đầu năm 2009, lần này lại chẳng thấy bóng dáng gói kích cầu nào. Cầu vì thế mà cũng gần như câm lặng. Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi túi tiền của đa số bà con thường dân được đặt vào tình trạng "kiểm soát đặc biệt". Người ta đi vào siêu thị như một thói quen, nhưng chuyện mua sắm đã không còn theo cách truyền thống nữa.

Hai thị trường ngoại tệ và bất động sản còn tệ hơn thị trường hàng hóa nhiều. Riêng nhà đất thì gần như "không mua không bán". Vở kịch câm với các diễn viên dùng động tác thể hình hơn là thoại vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, diễn viên bất động sản còn không thể nhấc nổi cánh tay của mình lên để tạo nên một biểu đạt kêu cứu.

Dự cảm 1% cho chứng khoán năm 2012!

Chỉ còn lại hai thị trường vàng và chứng khoán là có "động đậy". Phải dùng đến từ ngữ ủ ê này là bởi dù có động đậy thì cũng như không, bởi thanh khoản giao dịch, chẳng khác mấy với "khó khăn thanh khoản" mà thống đốc Ngân hàng nhà nước mới đây đã nêu ra như một lý do hợp lý để chưa thể giảm lãi suất, lại chẳng có gì vui vẻ.

Vàng, vốn là diễn viên hoạt náo duy nhất trong năm 2011, đã được cho nghỉ ở phía sau hậu trường. Như một hiệu ứng không tránh khỏi của người diễn viên sau chuỗi ngày liên tục căng cứng cơ bắp, vàng cần được tĩnh dưỡng trong một thời gian dài. Vì thế, những ai quan tâm đến chuyện mua bán diễn viên này có lẽ sẽ hoài công. Kể cả những tay đầu cơ thượng thặng cũng khó tạo được sóng tăng để làm giá vàng. Mà nếu có sóng đi nữa thì đào đâu ra thanh khoản để kiếm lời?

Trong bối cảnh ủ ê toàn diện ấy, thị trường chứng khoán vẫn mệt mỏi lê lết chuỗi ngày cuối cùng của nó để chấm dứt một năm cũ.

Thực ra, năm cũ của chứng khoán đã kết thúc vào cuối tháng 12 vừa rồi, cũng bởi thị trường này là "Tây" nên phải tính theo lịch Tây. Để ngay sau đó, chứng khoán đã mở đầu một năm mới bằng một tín hiệu không thể "rông" hơn: cả hai sàn đều tràn sắc đỏ.

Nhưng vào Tết nguyên đán năm nay, cũng không khác với 4 năm gần nhất, thị trường lại "bất ngờ" được khoác cho cái áo màu xanh.

Lẽ dĩ nhiên, cái áo xanh đó vẫn chỉ là lớp vỏ bề ngoài, còn thực chất bên trong vẫn là cái ruột bị làm giá của thị trường. Chừng nào các "diễn viên" MSN, BVH... còn lên tiếng, thì nói như một nhà văn, "con chó" không thể sủa được.

Với cách tăng điểm thuộc vào loại độc nhất trên thế giới như thế, nhà đầu tư có thể cầm chắc là sau Tết nguyên đán, thị trường sẽ bị giáng cho một đòn đau. Kinh nghiệm xương máu của không biết bao nhiêu lần đổ xương máu đã đúc kết nên bài học xương máu như vậy.

Nhưng cú bổ nhào, rất có thể sẽ diễn ra sau Tết nguyên đán, có phải là sự tiếp nối cho những tiếp nối, hay sẽ là hình ảnh đổ vỡ cuối cùng của TTCK?

Trong không khí ảm đạm hệt như cuối năm 2008 và đầu năm 2009, đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến chuyên gia về khả năng tạo lập vùng đáy của TTCK.

Tất nhiên, từ tháng 6/2011 đến nay, đã có khá nhiều chuyên gia luân phiên nhau "tạo đáy" cho thị trường, tuy không một vị nào đúng.

Nhưng hy vọng thì vẫn cứ phải hy vọng. Lần cố gắng cuối cùng biết đâu lại không sai. Thị trường đầu cơ vẫn thường sinh ra trong sự hoài nghi mà...

Dự cảm 1% hy vọng

Trong "dự cảm" của chúng tôi, thật chẳng mong gì hơn là thị trường sẽ chỉ bị thử thách thêm một lần nữa - lần chót trong chu kỳ đổ dốc hơn hai năm qua. Cũng đã quá chán ngán vì cứ phải nhận định và dự báo về sự đi xuống không ngừng nghỉ của cái thị trường không ai đoán biết được này.

Thế nhưng ngay cả "dự cảm" vẫn có thể đúng, dù nó chỉ mang xác suất 1%.

Có lẽ dự cảm như thế chỉ chớm hiện ra từ sự xuất hiện của một "triết lý" có tính cách như một lời tuyên ngôn về vận mệnh: "Nhà nước sẽ không bỏ rơi thị trường nào cả".

Lời tuyên ngôn trên được khởi đầu từ Thủ tướng, sau đó được nhắc lại bởi các bộ trưởng, đặc biệt là "bộ trưởng" của ngành ngân hàng.

Một trong những vị chuyên gia nặng lòng với thị trường bất động sản - ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - vào đầu năm 2012 đã lại nêu ra một dự báo đáng chú ý: TTCK cùng với thị trường bất động sản có thể bắt đầu hồi phục từ giữa quý 2/2012.

Vì sao lại có một dự báo giống như lời khẳng định như thế, trong khi chính sách về lãi suất của Ngân hàng nhà nước vẫn "mờ mờ ảo ảo"?

Cũng như tình trạng vô vọng của thị trường bất động sản cho đến ít nhất cuối năm 2011, TTCK sẽ tìm đâu ra những nguồn lực tài chính thực chất để tự cứu vớt nó?

Tuy vậy, trong mọi cái khó đều ló ra cái khôn. Bài học đó - người ta đã nhận ra tính xác nghiệm của nó vào năm 2009. Trước đó, TTCK đã từng bị coi là sụp đổ, thậm chí sụp đổ hoàn toàn, và cũng không có bất cứ kỳ vọng nào cho sự phục hồi mạnh mẽ của nó vào năm 2009.

Nhưng thực tế đã thường ngược lại với tâm trạng. Khi tất cả mọi người đều bi quan thì đó chính là lúc mà thị trường, chứ không phải là nhà đầu tư nhỏ lẻ, trở thành kẻ tham lam nhất. Không những phục hồi, mà chỉ số chứng khoán còn tăng gấp hơn hai lần so với đáy khủng hoảng - một tốc độ tăng vượt xa chỉ số Dow Jones của Mỹ, và chỉ kém thua đôi chút so với chỉ số chứng khoán Micex của Nga.

Còn giờ đây, trong không khí lão nhão của những trò tung hứng và giả mạo vẫn liên tục tái diễn, TTCK Việt Nam sẽ như thế nào?

Có lẽ phong trào "Chiếm phố Wall" với khẩu hiệu "Chúng ta là 99%" trong năm 2011 sẽ khó có thể hình dung ra cái xác suất 1% còn lại ở TTCK Việt Nam vào năm 2012.

Khi đó, triết lý "Nhà nước không bỏ rơi thị trường nào cả" sẽ có thể được ứng nghiệm.

Theo Việt Thắng (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.