Những nỗ lực giải cứu dự án CT1 Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại có nguy cơ bế tắc, khi chủ đầu tư và nhiều khách hàng không tìm được tiếng nói chung trong việc đổ thêm tiền vào dự án.

Dự án CT1 Vân Canh (đã được nhiều lần đề cập trên Báo Đầu tư và Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn), khởi công từ đầu năm 2010 đến nay vẫn chưa làm xong móng, khiến nhiều khách hàng bỏ tiền mua căn hộ tại dự án thất vọng và bất bình.

Có đến 30 - 40% khách hàng góp vốn không muốn tiếp tục theo đuổi Dự án CT1 Vân Canh

Tại buổi gặp gỡ do các khách mua nhà dự án tự đứng ra tổ chức mới đây, nhiều phương án giải cứu dự án được đưa ra nhưng không tìm được tiếng nói chung giữa khách hàng với khách hàng và khách hàng với chủ đầu tư.

Phương án khách hàng nộp tiền theo tiến độ xây dựng vào tài khoản của ngân hàng được chỉ định; ngân hàng sẽ giải ngân cho nhà thầu theo tiến độ xây dựng thực tế nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng chỉ nhận được sự ủng hộ của thiểu số khách hàng. Phần đông còn lại muốn rút tiền khỏi dự án nhưng không nhận được sự hưởng ứng từ phía chủ đầu tư.

Ông Hà Trần Hồng, khách hàng góp vốn mua căn hộ CT1 Vân Canh cho biết, ông và nhiều người khác đã mất hết niềm tin vào AZ Land, nếu tiếp tục đóng tiền lại sợ “giao trứng cho ác”, nên muốn rút vốn, thanh lý hợp đồng.

“Dù muốn rút vốn, nhưng tôi chưa thể thực hiện, bởi chủ đầu tư cho biết, việc rút vốn chỉ được tiến hành khi họ tìm được khách hàng mua căn hộ này”, ông Hồng nói.

Trong khi đó, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT AZ Land thừa nhận, AZ Vân Canh chậm tiến độ là do lỗi của chủ đầu tư. AZ Land chấp nhận để khách hàng tham gia quản lý dòng tiền, chấp nhận sẽ công khai thu chi, công ­­khai mọi văn bản giấy tờ liên quan đến Dự án, chấp nhận đóng băng mọi tài khoản có liên quan đến dự án AZ Vân Canh… Tuy nhiên, mô hình này chỉ có thể vận hành được nếu nhận được sự đồng thuận từ phía khách hàng.

Theo tính toán của ông Sơn, với tiến độ hiện nay, mỗi tháng, doanh nghiệp cần khoảng 7,6 tỷ đồng cho hoạt động thi công tại mỗi tòa nhà. Nếu khách hàng đóng vào khoảng 4,2 tỷ đồng, doanh nghiệp lo 3,4 tỷ đồng, thì dự án sẽ đi về đích đúng tiến độ. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay, theo ông Sơn, có đến 30 - 40% khách hàng góp vốn không muốn tiếp tục theo đuổi Dự án.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại cuộc gặp, số khách hàng muốn rút vốn khỏi dự án nhiều so với tỷ lệ 30 – 40% mà ông Sơn đưa ra.

Dự án Vân Canh CT1 khởi công lần đầu tiên vào ngày 4/4/2010. Công ty cổ phần Bất động sản AZ cũng bắt đầu tiến hành huy động vốn của khách hàng từ đầu năm 2010. Nhiều khách hàng khi đó đã ký hợp đồng góp vốn và nộp cho công ty này từ 350 đến 500 triệu đồng để giành quyền mua căn hộ tại đây. Đến giữa năm 2010, dự án đã tạm dừng thi công do các vấn đề pháp lý và sự thay đổi quy hoạch Vùng Thủ đô.

Dự án “án binh bất động” cho đến tháng 6/2011, nhiều khách hàng bắt đầu nghi ngờ năng lực của chủ đầu tư này và đề nghị rút vốn góp vào dự án. Khi làn sóng đòi rút vốn của khách hàng quá “rát”, AZ Land mới ra thông báo giải thích, “vì các lý do khách quan như việc Chính phủ chưa phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì đã và đang dẫn đến các dự án bất động sản tại khu vực phía Tây thành phố đang trong giai đoạn chờ quy hoạch và chưa triển khai. Chính yếu tố khách quan này, dẫn đến Công ty cùng với Tập đoàn HUD phải lùi lại thời gian thi công dự án (AZ Vân Canh)”.

Dự án cũng đã một lần thay đổi nhà thầu nhưng vẫn triển khai một cách nhỏ giọt từ đó đến nay. Ngoài dự án CT1 Vân Canh, AZ Land còn sa lầy ở hàng loạt dự án bất động sản khác có góp vốn như AZ Sky Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội); CT2 Vân Canh; AZ Thăng Long (Bright City, Hoài Đức, Hà Nội); dự án Hùng Vương – Tiền Châu (Vĩnh Phúc); dự án AZ Lâm Viên (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội). Các dự án đều đã huy động vốn góp từ nhiều năm nay nhưng tiến độ xây dựng đều chậm trễ so với cam kết của hợp đồng góp vốn.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.