06/01/2016 1:50 PM
Tỉnh Đồng Nai đang rất sốt ruột lo kịp khởi công dự án sân bay Long Thành trong năm 2018 do dự án kéo dài đã lâu, còn người dân 6 xã của huyện Long Thành nằm trong diện giải tỏa đang tỏ ra bức xúc, đề nghị “các đại biểu Quốc hội hãy đặt bản thân vào vị trí của người có đất bị giải tỏa” để thấu hiểu nỗi khổ của người dân hơn 10 năm qua phải sống trong quy hoạch “treo”.
Đoàn Quốc hội khảo sát thực tế tại dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Mong sớm triển khai dự án
Cách đây hơn 10 năm, khi dự án quy hoạch sân bay Long Thành công bố thì mọi hoạt động xây dựng, sang nhượng đất đai tại 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành đều bị đình lại. Nhiều ngôi nhà vì thế xuống cấp nghiêm trọng, mục nát và có nguy cơ sụp đổ. Các trường học cũng không được sửa sang vì lý do “sắp di dời”, còn công việc người dân cũng chỉ làm cầm chừng cho qua ngày, đợi dự án triển khai.
Ông Đặng Kim Phụng (ấp An Lâm, xã Long An) cho biết: Tôi mong rằng Quốc hội hãy lắng nghe ý kiến của người dân, giải quyết công ăn việc làm cho lao động trẻ, Quốc hội hãy đặt mình vào vị trí là người có đất bị giải tỏa để thấy được việc từ bỏ mảnh đất cha mẹ để lại là rất khó khăn, nhưng khi thuận lòng cho giải tỏa thì hơn 10 năm vẫn chưa giải tỏa được. Ông Nguyễn Văn Hoa (ngụ ấp 1 xã Suối Trầu) cho biết: Tôi rất băn khoăn về nơi ở mới, cuộc sống có tốt hơn hay không, hiện tại dự án này đã “treo” hàng chục năm. Do đó, nếu dự án sớm triển khai thì người dân sẽ bớt khổ. Ông Đỗ Khắc Hiến (ấp 3 xã Bàu Cạn) mong dự án sớm đền bù, đền bù một lần và công bố ngày di dời tái định cư cho người dân được biết.
Người dân còn phản ánh, giá đất khu vực xung quanh sân bay đang bị thổi giá lên cao ngất ngưởng. Ông Nguyễn Văn Trung (xã Long An) cho biết: Tôi có 3ha đất với hàng chục lao động nhưng vì lợi ích quốc gia nên chúng tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, nhưng chúng tôi còn băn khoăn về tiền đền bù phải xứng đáng để bà con không bị thiệt thòi. Mới đây, đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khảo sát khu vực xây dựng dự án sân bay Long Thành và đối thoại với người dân 6 xã thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai) phải di dời phục vụ dự án. Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết: Đây là một dự án lớn điển hình với gần như 100% người dân ủng hộ. Nếu thiếu sự ủng hộ này của người dân thì dự án nhất quyết không thể triển khai được. Do đó mong muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB, nếu không có cơ chế đặc thù thì dự án sẽ chậm từ 3-5 năm gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống nhân dân gặp khó khăn.
Lo lắng đào tạo nghề
Dự kiến trong quá trình triển khai xây dựng sân bay Long Thành, sẽ cần 20.000 lao động, với tỉ lệ lao động phổ thông khoảng 75%. Ngoài ra các nhân khẩu trong độ tuổi lao động, với hơn 80% có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm mới, sau khi được đào tạo nghề sẽ tạo điều kiện bố trí làm việc tại các KCN Lộc An - Bình Sơn, KCN Long Đức, các KCN gần sân bay Long Thành. Các lao động lớn tuổi sẽ được bố trí làm việc tại khu vực quy hoạch 200ha đất nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Ngô Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND H.Long Thành - cho biết: “Công tác đền bù, GPMB sẽ được tiến hành từng phần và đến năm 2018 thì hoàn thành việc giải tỏa. Phần lớn người lao động ở các xã có đất bị giải tỏa, trước đây làm nông. Vì vậy, chúng tôi sẽ mời một số nhà đầu tư thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao để đào tạo nghề phù hợp từng lứa tuổi. Hiện đã có nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu về một dự án nông nghiệp công nghệ cao ở đây. Phía đối tác mong muốn tận dụng lao động dôi dư này để tổ chức kinh doanh hiệu quả”.
Hà Anh Chiến (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.