Hai lần hòa giải bất thành, các nạn nhân của Công ty Tranco cũng đã 2 lần nộp đơn khởi kiện ra tòa án địa phương nhưng những người đại diện phía chủ đầu tư vẫn… biệt tăm.
Từ tháng 7-2010, hàng chục khách hàng đã nộp đơn khởi kiện chủ đầu tư dự án khu dân cư Phước Kiển giai đoạn 3 là Công ty Vật tư Vận tải và Xây dựng công trình giao thông - Chi nhánh phía Nam (Công ty Tranco) tại TAND huyện Nhà Bè - TPHCM, yêu cầu doanh nghiệp này phải tiếp tục thực hiện hợp đồng bàn giao nền nhà hoặc trả lại tiền, bao gồm cả lãi phát sinh.
Dự án
Dự án khu dân cư Phước Kiển 3 nằm bên trong khu dân cư Phước Kiển A

“Thượng đế” hết kiên nhẫn

Tuy nhiên, sau đó, TAND huyện Nhà Bè thông báo trả đơn khởi kiện và hướng dẫn người dân về hòa giải tranh chấp tại xã Phước Kiển.
Theo yêu cầu của nạn nhân, ngày 12-10-2010, UBND xã Phước Kiển tổ chức hòa giải giữa hơn 60 hộ dân và Công ty Tranco. Phía Công ty Tranco cử ông Nguyễn Xuân Hường (nhân viên ban điều hành dự án) đại diện tham dự nhưng không có ủy quyền hợp pháp.
Trước yêu cầu giao nền hoặc trả tiền của khách hàng, ông Hường đề nghị họ chấp nhận hoán đổi để lấy nền đất tại một dự án khác ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh-TPHCM. Tuy nhiên, ông này không trưng ra được bằng chứng Công ty Tranco đang sở hữu dự án trên, đồng thời không một khách hàng nào chịu hoán đổi vị trí gần kế bên khu đô thị “kiểu mẫu” Phú Mỹ Hưng để đến một nơi xa hơn.

Khi đã hoàn tất thủ tục nói trên, người dân tiếp tục quay lại TAND huyện Nhà Bè để nộp đơn khởi kiện. Nhưng lần này tòa lại cho rằng địa chỉ của Công ty Tranco trong đơn kiện không phù hợp và yêu cầu các “nguyên đơn” bổ sung đơn khởi kiện với địa chỉ pháp nhân là trụ sở chính của Công ty Tranco tại số 83A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Như vậy, kết quả hòa giải (bất thành) lần trước không có tác dụng, hàng chục khách hàng lại phải làm đơn xin UBND xã Phước Kiển tổ chức hòa giải lại. Lần này, cán bộ tư pháp của xã đã 3 lần gửi thông báo đến địa chỉ của Công ty Tranco ở Hà Nội cho ông Nguyễn Quốc Khôi (tổng giám đốc) nhưng lãnh đạo công ty này vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Lần hòa giải thứ 2 được tổ chức vào ngày 13-5-2011 nhưng phía chủ đầu tư vắng mặt không lý do.
Quá mệt mỏi với thủ tục nhiêu khê, các nạn nhân đã tìm đến Văn phòng Luật sư Trương Đình Tùng ủy quyền các thủ tục tố tụng. Hiện TAND huyện Nhà Bè đã nhận đơn nhưng chưa thông báo kế hoạch xét xử.

Liên tục dời trụ sở

Trực tiếp đứng ra thu hàng chục tỉ đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của người dân nhưng khi dự án bị thu hồi, lãnh đạo Công ty Tranco lại có cách ứng xử như người ngoài cuộc, vô can. Không những thế, trước sự truy vấn của khách hàng, Công ty Tranco phía Nam đã thay đổi địa chỉ trụ sở liên tục.
Theo điều tra của chúng tôi, ít nhất doanh nghiệp này đã di chuyển trụ sở qua 5 địa chỉ khác nhau tại TPHCM. Cụ thể là số 267 Khánh Hội, quận 4; 102 đường 85, phường Tân Quy, quận 7; 1/18 Út Tịch, phường 4, quận Tân Bình; 16 đường C2 Hoàng Hoa Thám và 183 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, một khách hàng đang khiếu kiện Công ty Tranco, ngao ngán: “Chúng tôi rất mệt mỏi với trò ù lì và lẩn tránh của Tranco. Thật khó để tin một doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT mà lại có thể chủ tâm lừa gạt trắng trợn như thế!”.

Ngày 1-7, chúng tôi tra cứu danh bạ trên mạng internet và tìm được địa chỉ Công ty Tranco Chi nhánh phía Nam trong một trang quảng cáo dịch vụ việc làm. Doanh nghiệp này tự giới thiệu là đơn vị chuyên xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản, nhưng khi phóng viên gọi vào số điện thoại 08381... để hỏi về dịch vụ trên thì một nữ nhân viên trả lời “công ty đang bận giải quyết chuyện nội bộ nên tạm thời không nhận hồ sơ!”.

Có thể truy cứu hình sự

Luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn Luật sư TPHCM), người được các khách hàng ủy quyền khởi kiện Công ty Tranco, cho rằng sai phạm rõ nhất của Công ty Tranco trong dự án khu dân cư Phước Kiển giai đoạn 3 là bán đất nền khi chưa đủ điều kiện. Một doanh nghiệp muốn kinh doanh bất động sản thì phải hoàn thành tất cả các công trình cơ sở hạ tầng. Ở đây, Tranco đã lách luật bằng hình thức “hợp đồng góp vốn” nhưng thực tế không có một điều luật nào của Nhà nước Việt Nam cho phép đọc - hiểu và công nhận đó là hợp đồng góp vốn kinh doanh.


Điều tệ hại là Công ty Tranco đã cố tình tạo niềm tin bằng cái mác của một doanh nghiệp Nhà nước, sau đó ký hợp đồng, nhận tiền của khách hàng rồi cố tình không thực hiện dự án. Khi dự án bị thu hồi, họ không thông tin cho đối tác “góp vốn” và không trả lại tiền.


Vấn đề này cơ quan pháp luật phải vào cuộc điều tra bởi không còn là tranh chấp dân sự nữa mà có đầy đủ các dấu hiệu để truy cứu hình sự. Thứ nhất, có thể xem xét việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự. thứ hai, hoàn toàn có thể xử lý ở tội danh “chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc “sử dụng trái phép tài sản”, quy định tại điều 141 và 142 Bộ Luật Hình sự. thứ ba, nếu điều tra làm rõ việc lập dự án này ngay từ đầu có mục đích huy động góp vốn thu tiền để chiếm giữ thì có thể truy cứu tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Theo Quý Lâm (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0