Giải pháp nào để hâm nóng thị trường bất động sản đang "đóng băng", tiến tới xóa bỏ "biệt thự bỏ hoang, đất vàng bỏ phí" vẫn là câu hỏi khó với cơ quan chức năng.
Nằm trơ trọi giữa không gian khô khốc của cái nắng đầu hè, trước mắt nhóm phóng viên chỉ là những tấm biển giới thiệu dự án đã hoen gỉ và các căn biệt thự rêu mốc giữa từng ô đất trống cỏ mọc quá xanh tốt. Cách đó không xa, nhiều tòa nhà chung cư xây dựng dở dang cũng chung tình cảnh…
Biệt thự bỏ hoang tại KĐT Lideco. |
Dự án nghìn tỷ làm nơi... thả bò
Từ Đại lộ Thăng Long, rẽ vào khoảng 3km, là dự án Khu đô thị sinh thái Tuần Châu nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Trái ngược với quy hoạch hoành tráng, "mang đẳng cấp quốc tế" mà chủ đầu tư (Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội) quảng cáo là một không gian hoang vắng, bừa bộn đất đá, cây dại mọc đầy. Chạy xe dọc con đường đất gồ ghề bên trong dự án, chúng tôi ra một khu đất trống rộng hàng chục hécta. Đây là diện tích được quy hoạch để xây dựng khu nhà ở cao cấp Tuần Châu. Một người dân thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn bức xúc nói với phóng viên: "Các anh thấy đấy, đã gần chục năm lấy đất của dân rồi mà dự án mới chỉ xây được phần thô của hai căn biệt thự".
Ngoài khu điều hành được quây hàng rào bảo vệ, còn lại hàng chục hécta đất đã giải phóng mặt bằng thuộc dự án nghìn tỷ này cho phép người dân ra vào tự do. Người dân xã Sài Sơn còn tận dụng những bãi đất trống để nuôi thả trâu bò, làm sân chơi thể thao. Một phụ nữ đã luống tuổi ở thôn Phúc Đức đang trông coi hơn 20 con bò trên bãi đất dự án Tuần Châu, chia sẻ: "Gia đình tôi có 5 sào đất bị thu hồi khoảng 10 năm nay. Dân chẳng còn đất canh tác, số tiền đền bù 27 triệu đồng/sào cũng đã tiêu hết từ lâu, nghề phụ không có nên giờ cố gắng chăm đàn bò".
Qua tìm hiểu được biết, "Đại" dự án Khu du lịch, vui chơi, giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Tây (hiện nay là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội) làm chủ đầu tư vào tháng 5 - 2007. Dự án gồm: sân golf (93ha), khu vui chơi giải trí (22ha), trung tâm thương mại quốc tế (18ha), khu biệt thự (54ha), còn lại là khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp. Sau gần một năm được cấp phép, vào cuối tháng 2 - 2008, dự án nghìn tỷ Tuần Châu rầm rộ làm lễ khởi công trong niềm hy vọng lớn lao của hàng nghìn người dân địa phương. Tuy nhiên, đã hơn 7 năm trôi qua, hàng trăm hécta đất nông nghiệp "bờ xôi ruộng mật" của nông dân xã Sài Sơn đang trong tình trạng bỏ hoang.
Dự án Thăng Long Mansion (số 21 Lê Đức Thọ, Bắc Từ Liêm) cũng trong tình cảnh tương tự. Đây là một tổ hợp bao gồm 5 tòa nhà với 2 tòa văn phòng cho thuê 17 tầng, 1 văn phòng cho thuê 21 tầng bên cạnh 2 tòa tháp chung cư cao cấp 30 tầng, từng thu hút nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư. Khởi công năm 2009, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Thăng Long đưa ra "viễn cảnh" rằng dự án được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, với sự bố trí hợp lý giữa các khoảng không gian tiếp nối giữa các sảnh văn phòng, nhà ở, siêu thị... khuôn viên cây xanh và khu vui chơi, giải trí, thể thao trong và ngoài nhà. Điều đó sẽ tạo ra sức hấp dẫn khác biệt, trở thành điểm đến được quan tâm bậc nhất của Thủ đô. Thế nhưng, sau gần 5 năm thi công, dự án mới xây đến tầng 7 (có tòa mới xây đến tầng 3), rồi... "đắp chiếu". Trải qua năm tháng, phần lớn các hạng mục xây dựng đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Một góc KĐT Lideco. |
Biệt thự để… trồng rau
Nằm cách cửa ngõ phía Tây nam Hà Nội chỉ 15 phút xe chạy, dự án Lideco từng được xem là dự án "đình đám" nhất của huyện Hoài Đức với ưu thế nổi trội về vị trí. Dự án nằm sát quốc lộ 32, ngay điểm đầu địa phận Hoài Đức, rất thuận tiện về giao thông. Dự án do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2007 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2013 với hơn 600 căn biệt thự đơn lập và song lập được thiết kế sang trọng theo kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013 mới có khoảng 400 căn biệt thự được bàn giao cho khách hàng, và chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ KĐT nhanh chóng được dư luận biết đến với cái tên "làng biệt thự bị bỏ hoang".
Chỉ bước qua vòm cổng của KĐT, chúng tôi đã có ngay cảm giác như lạc vào một thành phố hoang. Trải dài trước mắt là từng dãy biệt thự không một bóng người. Tất cả các căn biệt thự này đều trong tình trạng "cửa đóng then cài" và ngập trong màu xanh cỏ dại. Tại nhiều biệt thự, khuôn viên trước cửa biến thành những luống rau xanh đủ loại. Thậm chí, có những lô biệt thự, bậc thang dẫn vào cửa chính trở thành nơi đặt thùng xốp trồng rau xanh. Phần lớn trong số hàng trăm biệt thự ở đây đã được chủ đầu tư hoàn thiện, song lác đác cũng có căn mới chỉ xây thô. Xét về tổng thể, KĐT Lideco được quy hoạch rất bài bản. Khu vực phía đông dự án là các khối biệt thự song lập, nhà liền kề và nhà lô phố. Phía tây dự án được coi là "trái tim" của KĐT với hồ nước lớn ở khu trung tâm, vừa tạo cảnh quan cho các công trình xung quanh, vừa có chức năng điều hòa không khí cho cả KĐT. Liền kề hồ nước là khu thể thao, giải trí, ăn uống, thương mại, hành chính... tận dụng toàn bộ cảnh quan mặt hồ và các công trình công cộng, chủ đầu tư đã bố trí các biệt thự đơn lập, nhà vườn, nhà lô nằm sát khu vực này. Toàn bộ vỉa hè, đường dạo ven hồ... được lát gạch với nhiều gam màu khác nhau, tạo nên sự mềm mại và trang nhã. Không thể phủ nhận sự liên kết giữa các chuỗi biệt thự, nhà vườn, hồ nước, khu công cộng, vỉa hè... tạo ra môi trường sống khoáng đạt, rộng rãi và văn minh. Song đáng tiếc, tất cả đều bị nhấn chìm bởi sự hoang vắng, lạnh lẽo cô quạnh.
Theo quan sát của phóng viên, tỷ lệ lấp đầy của KĐT Lideco chỉ ở mức 5%. Hiếm hoi lắm mới thấy một ngôi biệt thự có bóng người. Anh Hoàng Mạnh Quân - chủ nhân một căn biệt thự song lập đang tiến hành hoàn thiện để chuyển đến ở, cho biết: "Tôi mua lại căn biệt thự này với giá gần 8 tỷ đồng. Toàn bộ vốn liếng vợ chồng có được đều rót cả vào đây. Sau mấy năm bất động sản đóng băng, dù giảm giá tới 30% nhưng vẫn không thể tìm được người mua nên đành cho sửa chữa dọn về ở cho khỏi phí...".
Được biết, nguyên nhân khiến cả KĐT Lideco bị bỏ hoang là do phần lớn khách hàng không thể giao đủ số tiền mua nhà sau khi công trình đi vào hoàn thiện. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư, lý do họ không chịu bàn giao nốt tiền và dọn đến ở là bởi chủ đầu tư đã không xây dựng đúng so với thiết kế ban đầu (!?). Điểm an ủi lớn nhất với những cư dân hiếm hoi của KĐT Lideco là dù số người dọn đến ở tại KĐT này chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng đường sá của KĐT được quét dọn vệ sinh thường xuyên nên rất sạch sẽ. Đặc biệt, cổng của KĐT luôn có bảo vệ canh gác 24/24h nên an ninh ở đây được giữ gìn khá tốt, không có tình trạng người vô gia cư đến "chiếm dụng" các căn biệt thự để sinh sống như ở KĐT Xuân Phương, xã Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cách đó không xa.
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM....