Trước việc 9 dự án với diện tích hàng nghìn ha của FLC trên địa bàn bị chậm trễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với doanh nghiệp vào chiều 15/3.
Ông Minh đánh giá công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Cụ thể hơn, lãnh đạo huyện Bình Sơn cho rằng xuất phát từ việc "thiếu tin tưởng" FLC nên người dân còn băn khoăn chưa đồng ý phương án giải tỏa, đền bù, bàn giao đất cho nhà đầu tư.
Theo vị này, đây cũng là một nguyên nhân khiến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc kéo theo các dự án FLC chậm kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn FLC. Ảnh: N.Đức.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi còn đánh giá do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhà đầu tư đi lại gặp khó khăn nên tiến độ dự án rất chậm so với kế hoạch. Thứ hai là Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh cấp chủ trương đầu tư 9 dự án cho Tập đoàn FLC chưa đảm bảo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 30/6/2019, FLC từng khởi công quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự án có quy mô 1.026 ha, trong đó, các hạng mục khởi công bao gồm 4 phân khu khách sạn, resort cao cấp và hai phân khu đô thị biển với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng.
Chỉ sau vài ngày dự án FLC Quảng Ngãi khởi công, trên các trang mạng xã hội đăng thông tin rao bán đất mỗi lô từ 1,5 đến 7 tỷ đồng. Về nguyên tắc khi hoàn thành hạ tầng, doanh nghiệp báo cáo Sở Xây dựng để lập Hội đồng kiểm tra, nghiệm thu thì mới được phân lô, bán nền.
"Dự án FLC Quảng Ngãi mới trong quá trình đền bù, giải tỏa nên một số công ty môi giới rao bán đất nền công khai là sai quy định", lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho hay.
Vùng ven biển huyện Bình Sơn(Quảng Ngãi), nơi Tập đoàn FLC dự kiến triển khai dự án. Ảnh: Minh Hoàng.
Trước tình hình này, Công an Quảng Ngãi từng vào cuộc điều tra chấn chỉnh tình trạng đại lý phát tờ rơi rao bán đất dự án FLC tràn lan.
Sau nhiều vụ "lùm xùm" về quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi, Tập đoàn này khảo sát, nghiên cứu lại "chia nhỏ" thành 9 dự án đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất.
Trong hai năm 2018 và 2019, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp Quảng Ngãi đã cấp chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện 9 dự án với tổng diện tích 160 ha.
Trong đó, bốn dự án đô thị, bốn dự án du lịch và một dự án lưỡng dụng cả đô thị và du lịch. Đến nay, chủ đầu tư mới bồi thường hơn 2,3 ha thuộc hai dự án Khu đô thị Vạn Tường 7 và Khu đô thị Vạn Tường 8.
Để triển khai các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất và các dự án của FLC nói riêng, ông Minh yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu đầy đủ các quy định hiện hành để sớm tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc các dự án.
Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi rà soát lại các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư của FLC, quy hoạch của các dự án có đảm bảo các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, đất quốc phòng, an ninh, đất phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch.
Nếu quy hoạch của các dự án đảm bảo quy định của pháp luật mới cho phép tiếp tục triển khai thực hiện, còn không đảm bảo thì phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
-
FLC kiện ngược Hòa Bình sau khi bị buộc thanh toán 277 tỷ
CafeLand - Sau khi Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thắng vụ kiện đòi FLC 277 tỷ đồng, FLC cũng khởi kiện ngược lại đối tác 80 tỷ vì chậm tiến độ.