24/06/2014 8:55 PM
Hơn 100 hộ dân xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã từng tràn trề hy vọng về một viễn cảnh việc làm tại dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn như lời hứa của chủ đầu tư. Thế nhưng sau 7 năm, niềm vui ấy giờ chỉ là con số không.

Sau 8 năm khởi công, Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn vẫn "đắp chiếu". (Ảnh: Dân Trí)

Hoang tàn, đổ nát là tất cả những gì có thể thấy khi bước vào dự án ngàn tỷ xi măng Thanh Sơn tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Được khởi công vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, dự án xi măng Thanh Sơn từng được kỳ vọng là điểm nhấn của ngành công nghiệp vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Nhưng đến nay, toàn bộ mặt bằng nhà máy hơn 40ha dự án trở thành bãi cỏ hoang.

Để tận dụng mảnh đất bị bỏ hoang, nhiều người dân đã đưa trâu bò vào đây chăn thả, thậm chí hơn 10 dãy nhà từng được dự kiến là nơi ở của hàng ngàn công nhân công ty xi măng giờ được một số người dân chuyển thành chuồng dê, lợn và gà. Tuy nhiên không phải ai cũng có được may mắn ấy.

Ông Phạm Đình Hòa, thôn Ngọc Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa cho biết: “Mất ruộng, người dân đi học nghề nhưng giờ về không có việc làm. Không có ruộng, không có đất cuộc sống người dân trong thôn rất vất vả”.

Không chỉ người dân xót xa vì đất “vàng” trở thành đất hoang, chính quyền địa phương cũng không biết phải làm gì khi dự án “đắp chiếu” 4 năm nay.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: “Hiện nay miền núi nói chung và huyện Ngọc Lặc nói riêng, đất trồng nông nghiệp không nhiều trong khi khu vực nhà máy quy hoạch trên vùng đất nông nghiệp. Bây giờ 70ha đất không làm được gì”.

Trong công văn gửi Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết dự án bị đình trệ từ năm 2010 do chủ đầu tư thiếu vốn. Do đó, hàng trăm hộ dân nghèo của xã Thúy Sơn đang phải hy sinh đất nông nghiệp cho dự án xi măng ngưng trệ này vẫn băn khoăn: Liệu gia hạn thêm một năm có giúp cải thiện thêm khả năng tài chính của chủ đầu tư này hay không.

VTV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.