02/10/2014 10:45 AM
Rất nhiều dự án bất động sản nằm ở vị trí đắc địa, xây dựng gần xong nhưng phải “trùm mền” vì thiếu vốn. Còn các dự án tốt, tài chính rõ ràng đa phần rơi vào tay chủ đầu tư nước ngoài

Thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) phình bong bóng, nhiều nhà đầu tư tay ngang thấy “có ăn” nên nhảy vào, vay tiền ngân hàng (NH) đầu tư rồi bán dự án trả nợ. Đến khi chính sách tín dụng siết chặt khiến hàng loạt dự án đã triển khai bị sốc nặng, thị trường BĐS cũng “xì hơi” từ đó. Việc bán lại dự án hoặc kêu gọi đầu tư là điều bức bách các doanh nghiệp (DN) phải làm nhưng không dễ.

“Đắp chiếu” la liệt

Đình đám nhất phải kể đến là tổ hợp khu căn hộ cao cấp Kenton Residences (đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP HCM) do Công ty TNHH Tài Nguyên triển khai. Dự án có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, gồm 9 block, cao từ 20-30 tầng với 1.640 căn hộ.

Thời điểm cách đây 6 năm, chủ đầu tư tham vọng đây sẽ là dự án căn hộ cao cấp, giá bán lúc công bố từ 1.500 - 2.200 USD/m2, thậm chí có căn lên đến 1 triệu USD. Nhưng từ năm 2010 đến nay, dự án vẫn nằm phơi sương vì chủ đầu tư hết vốn.

Tổ hợp khu căn hộ cao cấp Kenton Residences phải “đắp chiếu” thời gian dài do chủ đầu tư hết vốn Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Dự án của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM được đầu tư từ năm 2007 với tổng vốn lên đến hơn 7.300 tỉ đồng nhưng nay mới chỉ đền bù được hơn 80% và không biết khi nào hoàn thành.

Tại đại hội cổ đông mới đây, lãnh đạo DN này cho biết phải cần thêm 1.000-3.000 tỉ đồng thì dự án mới có thể hoàn thiện để ra mắt vào quý II/2015. Một “ông lớn” khác cũng đang “trùm mền” ngay trung tâm TP HCM là dự án Saigon One Tower do Công ty CP Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư với số vốn lên đến 256 triệu USD. Hiện dự án đang rơi vào tình cảnh thiếu vốn thi công nên có nguy cơ bị NH xiết nợ.

Dự án Richland Emerald Tower (đường Bãi Sậy, quận 6, TP HCM) cao 28 tầng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Nhật Quang làm chủ đầu tư. Khởi công từ tháng 8-2008, dự kiến bàn giao nhà hơn 4 năm trước nhưng sau khi xây thô đến tầng 28 thì ngừng đột ngột vì... hết vốn. Để thu hồi nợ công trình, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đưa ra bán đấu giá thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM vào cuối năm 2013. Khá bất ngờ, dự án bị ế vì không nhà đầu tư nào mua.

Trong thời gian tới, Richland Emerald Tower sẽ là một trong số các dự án BĐS chậm tiến độ bị kê biên, đấu giá lấy tiền trả lại cho khách hàng đã góp vốn vào dự án.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP HCM còn rất nhiều dự án đang rơi vào tình cảnh tương tự.

Cầu cứu các ông chủ nước ngoài

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, cho biết hiện nhiều dự án đang bị đình trệ trong khi NH không cho vay vốn, nếu không muốn bị xiết nợ thì chủ đầu tư chỉ có cách tìm đối tác để thực hiện tiếp.

Điển hình, một cụm gồm 3 dự án quy mô nằm trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8, TP HCM), đến nay mới chỉ hoàn thành 1 dự án là Carina, 2 dự án còn lại là City Gate Tower và NBB Garden III do Công ty CP Năm Bảy Bảy (NBB) làm chủ đầu tư đã trễ tiến độ 2-3 năm so dự kiến ban đầu.

Để không sa lầy, đầu tháng 9-2014, NBB ký kết với nhà đầu tư Nhật Bản là Greed Investments “đổ” 600 tỉ đồng vào dự án City Gate Tower và dời thời hạn hoàn thành sang năm 2016. Nhà đầu tư ngoại này còn cam kết góp 50% vốn để phát triển 2 dự án khác của NBB trên địa bàn TP HCM.

Mắc kẹt ngay lần đầu thực hiện vì không có kinh nghiệm cũng như vốn nhiều, dự án căn hộ chung cư Vạn Hưng Phát do Công ty TNHH Vạn Hưng Phát làm chủ đầu tư nằm trên đường Bông Sao (quận 8) từ khi khởi công (năm 2010) đến nay mới chỉ xong phần móng.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vạn Hưng Phát, cho biết DN đã vay NH 62 tỉ đồng nhưng không được cho vay tiếp, trong khi 30% căn hộ đã bán cho khách. Hiện DN này đã ký hợp đồng nguyên tắc với một nhà đầu tư Singapore, hai bên đang thương lượng số vốn góp để tiến hành tiếp dự án.

Tuy vậy, không phải dự án nào cũng tìm được nhà đầu tư ngoại tiếp sức. Sau nhiều lần người mua nhà khiếu kiện, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu Công ty CP BĐS Dầu khí (PVC Land - chủ đầu tư dự án Petro Vietnam Landmark, quận 2, TP HCM) cung cấp tài liệu liên quan để xem xét, xử lý. Đoàn thanh tra cũng yêu cầu UBND TP HCM và Sở Xây dựng phải làm rõ sai phạm tại dự án này.

Petro Vietnam Landmark là tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng. Năm 2009-2010, căn hộ ở đây được bán với giá trung bình 23,8 triệu đồng/m2 nhưng tháng 10-2011, chủ đầu tư gây sốc khi hạ giá bán xuống còn 15,5 triệu đồng/ m2 để hút thêm vốn, trả nợ NH. Vậy mà đến nay, khách hàng vẫn chưa được giao nhà.

Thái Phương - Sơn Nhung (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.