Hàng trăm hộ dân sống trong dự án khu đô thị thương mại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) hoang mang chưa biết đi đâu sau khi bị giải tỏa và họ cho rằng giá bồi thường thấp, chưa hợp lý.
Bồi thường chưa đúng
Năm 2011, UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Cadif (Cadif) đầu tư xây dựng dự án khu đô thị thương mại thị trấn Cờ Đỏ với diện tích gần 15,5 ha. Tổng mức đầu tư của dự án trên 305 tỉ đồng.
Dự án có 571 trường hợp (sáu tổ chức và 565 hộ) bị ảnh hưởng và khi dự án chưa “thành hình, thành khoảnh” thì người dân đã bức xúc về giá cả đền bù đất, chính sách tái định cư (TĐC)…
Bà Lê Thị Dạ bị thu hồi hơn 1.200 m2 đất, trong đó có 300 m2 đất ở đô thị nhưng khi bà Dạ nhận bảng chiết tính chi phí bồi thường thì phần đất 300 m2 lại biến thành đất ở nông thôn và giá bồi hoàn chỉ còn 400.000 đồng/m2 (trong khi đất ở đô thị giá bồi thường 1,7-2,5 triệu đồng/m2).
Theo quy hoạch, toàn bộ hộ dân bên bờ kênh này sẽ bị giải tỏa trắng và nhiều người chưa biết đi đâu. Ảnh: NGUYỄN UYÊN
Hộ ông Nguyễn Quốc Ngân có đất tiếp giáp tỉnh lộ 922 và bị giải tỏa hơn 3.100 m2, trong đó đất ở đô thị hơn 250 m2 và tổng cộng tiền bồi thường chỉ hơn 1,2 tỉ đồng. Theo bảng chiết tính bồi thường về đất của hộ ông Ngân, hội đồng bồi thường chỉ “cho” 208 m2 là đất ở đô thị và bồi thường 337 triệu đồng cho phần đất ở này. Theo ông Ngân, hội đồng đã áp giá sai, không theo quy định của UBND TP Cần Thơ về thâm hậu đất ở ngoài đô thị (vùng ven). “Huyện vận dụng đúng và áp giá chính xác thì 208 m2 đất ở đô thị của tôi đều nằm trong thâm hậu 50 m và tiền bồi thường phải trên 500 triệu đồng. Vô lý hơn là chính diện tích đất ở này, khi chuyển mục đích sử dụng đất, phía cơ quan chức năng lại tính phần thâm hậu là 50 m nhưng khi bồi thường chỉ tính phần thâm hậu 20 m là sao?” - ông Ngân nói.
Về những thắc mắc trên, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, đồng thời là chủ tịch Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, cho biết huyện sẽ ghi nhận những thắc mắc của người dân. “Nhưng người dân cần trình bày bằng đơn về giá cả bồi thường, TĐC… và gửi kèm theo những giấy tờ có liên quan như quyết định thu hồi đất, bảng chiết tính áp giá để huyện xem xét, ra thông báo thụ lý và sẽ giải quyết trên cơ sở có lợi cho dân” - ông Hiện nói.
“Bỏ quên” hàng trăm hộ dân
Ngoài những vô lý về áp giá bồi thường thì hàng trăm hộ dân bị giải tỏa, giao đất cho dự án chưa biết đi đâu, về đâu. Với tổ chức và 565 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng chỉ có 120 hộ đủ tiêu chuẩn TĐC và xét mua nền TĐC. Còn 445 hộ chưa biết đi đâu, về đâu sau khi bị thu hồi đất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 445 hộ dân này bị cho là lấn chiếm đất công dù họ đã ở trên mảnh đất đang sinh sống mất chục năm qua.
Theo hộ anh Trần Tuấn Phương, cha mẹ anh được bà ngoại cho khoảng 100 m2 đất. Năm 2006, sau khi được chính quyền thị trấn xác định ranh giới, mốc giới thửa đất, gia đình anh Phương làm đơn xin cấp giấy đỏ nhưng không được chính quyền trả lời. “Gia đình tôi ở cho tới nay thì chính quyền cho biết đất nằm trong dự án và thông báo bồi thường nhà đất tổng cộng 145 triệu đồng. Với số tiền này, chúng tôi làm sao tạo lập nổi chỗ ở mới” - anh Phương nói. Tình cảnh anh Phương cũng là tình cảnh chung của trên 400 hộ dân thuộc diện chưa biết đi đâu, về đâu.
Đem vấn đề 445 hộ dân bị giải tỏa trắng nhưng không biết sẽ đi về đâu hỏi ông Lê Văn Sơn - Giám đốc Cadif thì ông này cho biết: Huyện Cờ Đỏ dự tính đưa những hộ này vào khu Bãi Bùn ở xã Thới Xuân. Nếu xây khu TĐC, khi hoàn chỉnh hạ tầng thì giá nền ít nhất cũng trên 2 triệu đồng/m2, người dân không mua nổi. Do vậy, đưa số hộ dân này vào khu Bãi Bùn cũng là cải tạo môi trường sống”.
Tuy nhiên, hiện khu Bãi Bùn chỉ là một khu đất trống. Lãnh đạo huyện Cờ Đỏ cũng nhìn nhận khu dân cư Bãi Bùn chỉ còn là dự tính chứ chưa có gì rõ ràng. Đây cũng là điều khó hiểu đối với một dự án tác động đến hàng trăm hộ dân mà phương án TĐC vẫn còn là xem xét…
Đổi tên dự án Lúc đầu dự án có tên là khu đô thị thương mại thị trấn Cờ Đỏ nhưng tháng 3-2013, dự án đổi tên thành “Chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống tại thị trấn Cờ Đỏ”. Lý giải việc thay tên dự án, lãnh đạo Cadif và lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ cho rằng đổi tên dự án thì Ngân hàng Thế giới mới cho vay với lãi suất thấp. Khi chúng tôi đặt vấn đề đây là dự án kinh doanh, giải tỏa trắng và việc áp giá bồi thường theo giá Nhà nước có hợp lý không, lãnh đạo Sở KH&ĐT giải thích: Áp giá đền bù là do địa phương thực hiện và có cả một hội đồng. “Khi thực hiện dự án phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dân và không để dân thiệt thòi” - vị này lưu ý. |