Những bài học phía sau thất bại của dự án căn hộ Kenton Residences.

Sau hơn 6 năm, dự án Kenton Residences vẫn chưa hoàn thành.

Nếu như phải kể tên một dự án tiêu biểu cho khó khăn của thị trường căn hộ ở TP.HCM, có lẽ không ví dụ nào thích hợp hơn Kenton Residences (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7).

Hình thành ý tưởng từ năm 2002 nhưng phải đến năm 2009, dự án Kenton mới chính thức được chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng - Sản xuất - Thương mại Tài Nguyên khởi công. Kenton Residences có tổng diện tích 9,1 ha, gồm 3 phân khu: khu Plaza, khu Sky Villa và khu Residences, có tổng cộng 9 tòa nhà với 1.640 căn hộ. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 300 triệu USD, được dự kiến hoàn thành vào năm 2011.

Với mật độ sử dụng thấp, chỉ 13,1% và hệ số sử dụng đất toàn khu là 3,06, ông Vũ Anh Tâm, Chủ tịch Công ty Tài Nguyên mong muốn Kenton sẽ là một ốc đảo giữa lòng thành phố. Đó là dự án mà sau khi hoàn thành, “phần nào không xây dựng sẽ được trả về đúng với thiên nhiên cho cây bần, cây dừa nước có chỗ sống, cho con còng con cáy có chỗ thở và cho các em bé sinh ra ở đô thị không xa lạ với đồng quê”, ông Vũ Anh Tâm trả lời báo giới cách đây vài năm.

Với tâm huyết ấy cũng như sự nóng sốt của thị trường bất động sản vào thời điểm đó, Kenton là dự án được nhiều nhà đầu tư háo hức chờ đợi. Tuy nhiên, trong khi đường Nguyễn Hữu Thọ (con đường mà Kenton tọa lạc) đang nổi lên dáng dấp của một đô thị sầm uất với hàng loạt khu căn hộ và trung tâm thương mại thì cho đến nay, sau hơn 6 năm xây dựng, Kenton vẫn chỉ đứng im với những khối bê tông xám xịt. Vì đâu Kenton lại lâm vào tình cảnh này?

Đó là do khó khăn của thị trường bất động sản trong những năm qua. Điều này là đúng, nhưng có lẽ chỉ đúng một phần. Bởi lẽ, một thực tế là Kenton được khởi công cùng thời điểm với dự án Sunrise City (quận 7) có quy mô cũng khá tương đồng (12 tòa tháp với 2.200 căn). Thế nhưng, trong khi Sunrise City đang hoàn thiện những bước cuối cùng để trở thành một khu phức hợp kiểu mẫu thì Kenton vẫn chưa tìm được lối ra.

Mặc dù nhiều lần chia sẻ về khó khăn của thị trường, nhưng chưa một lần nào ông Vũ Anh Tâm nói về nguyên nhân chính dẫn đến sự đình trệ của Kenton. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, tình cảnh của Kenton hiện nay đến từ chính chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư hay nói chính xác hơn là sự cầu toàn của ông chủ dự án này.

Cụ thể, vào thời điểm mở bán lần đầu tiên, Kenton đã được thi công đến tầng thứ 9. Điều này cho thấy, nếu bán ngay sau khi xây xong móng, Công ty Tài Nguyên đã có thể bán một số lượng căn hộ lớn hơn.

Kenton mở bán chính thức vào ngày 24.1.2010 với 100 căn hộ của giai đoạn 1. Mặc dù có giá bán từ 1.566-2.250 USD/m2, nhưng sau sự kiện, chủ đầu tư đã gửi thông cáo báo chí cho biết có 64 khách hàng giao dịch thành công. 6 tháng sau lần mở bán đầu tiên, sau khi hoàn thành phần thô, Tài Nguyên công bố chào bán giai đoạn 2 với 178 căn hộ thuộc các Block I2, G2, H2. Tuy nhiên, thời điểm này thị trường bất động sản đã bị đóng băng.

Chậm bán hàng có lẽ là nguyên nhân đầu tiên khiến Kenton lâm vào thế khó, nhưng điều khiến Kenton lún sâu hơn là Công ty Tài Nguyên vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chơi, dù tình hình thị trường ảm đạm. Trong khi các chủ đầu tư khác dừng lại thì để thể hiện cam kết với gần 100 khách hàng đã mua căn hộ, cũng như tin rằng thị trường sẽ hồi phục, ông chủ Công ty Tài Nguyễn vẫn tiếp tục xây dựng các block nhà còn lại.

Đúng là thị trường bất động sản cũng đã bắt đầu phục hồi trở lại, nhưng Công ty lại bỏ lỡ sự thay đổi trong thị hiếu khách hàng, khi bây giờ những căn hộ có diện tích nhỏ, phù hợp với khả năng chi trả mới là sự lựa chọn của họ. Trong khi đó, phần lớn căn hộ của Kenton đều là 3 phòng ngủ với diện tích từ 125-139 m2 được xây dựng theo thiết kế từ đầu và giá bán thì vẫn không có sự thay đổi đột biến nào.

Nhìn lại, nhiều dự án cũng lâm vào tình cảnh khó khăn như Kenton, nhưng một số chủ đầu tư đã kịp dừng lại, thay đổi thiết kế các block còn lại và điều chỉnh giá bán cũng như phương thức thanh toán. Sự điều chỉnh kịp thời đã giúp cho các chủ đầu tư này sống sót.

Hiện tại, câu hỏi được nhiều người quan tâm đối với Kenton là khi nào dự án mới khởi động trở lại và khi nào sẽ hoàn thành. Có lẽ ngay cả với chủ đầu tư cũng không thể biết được. Năm 2013, ông Vũ Anh Tâm cho biết Công ty đã trả lại toàn bộ tiền mua nhà cho gần 100 khách hàng đã mua và đang tìm giải pháp mới.

“Tôi đã đi hết cả mấy cuốn hộ chiếu rồi nhưng vẫn chưa ăn thua”, ông Tâm trả lời với NCĐT tại một hội nghị do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức vào giữa năm 2013 khi được hỏi về khả năng bán dự án. Với vốn đầu tư lớn, rõ ràng khả năng bán được dự án Kenton là không hề dễ dàng. Theo tìm hiểu của NCĐT, hiện tổng vốn rót vào dự án này đã xấp xỉ 3.000 tỉ đồng, trong đó phân nửa là vốn vay.

Một nguồn tin của NCĐT cho biết, chủ đầu tư Kenton Residences đang tính chuyển đổi dự án thành khách sạn 5 sao có hạng mục casino dành cho người nước ngoài, bởi đối tác nước ngoài chỉ chấp nhận đầu tư vào Kenton khi được chấp nhận điều kiện này. “Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã đồng ý, ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, vẫn còn phải đợi chính sách, nghị định từ Chính phủ”, nguồn tin này cho biết.

Cũng theo nguồn tin nói trên, Công ty Tài Nguyên đang chuẩn bị tung ra một dự án căn hộ khác tại quận 7 nhằm tìm kiếm thêm tài chính để tiếp tục hoàn thiện Kenton.

*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand

Nguyễn Hùng (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: info@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.