13/09/2024 11:26 AM
Trạm BOT Phú Hữu, TP Thủ Đức, thu phí từ ngày 17/9, giá vé 14.000-110.000 đồng/lượt, để hoàn vốn dự án xây đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.

Công ty CP xi măng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư) vừa ra quyết định ban hành mức giá sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư Dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, TP.Thủ Đức.

Thời điểm thu phí bắt đầu từ 0 giờ ngày 17/9. Việc thu phí sẽ thực hiện qua hệ thống tự động không dừng như đang áp dụng tại các trạm thu phí hiện nay.

Trạm thu phí BOT Phú Hữu

Về mức thu phí sẽ thu theo 3 loại vé là vé lượt, vé tháng và vé quý.

Giai đoạn từ khi bắt đầu thu phí tới 31/12/2024, giá vé lượt thấp nhất 14.000 đồng, cao nhất 110.000 đồng. Vé tháng từ 420.000 đồng đến 3,3 triệu đồng. Vé quý 1.134.000 đồng đến 8.910.000 đồng.

Từ 1/1/2025 đến 16/9/2025 xe qua trạm sẽ đóng phí cao hơn. Trong đó, vé lượt áp dụng 15.000-120.000 đồng. Vé tháng từ 450.000 đồng đến 3,6 triệu đồng. Vé quý từ 1.215.000 đồng đến 9.720.000 đồng.

Sau giai đoạn trên, mức phí qua trạm tiếp tục được điều chỉnh với giá vé lượt thấp nhất 17.000 đồng, cao nhất 133.000 đồng. Vé tháng 510.000 đồng đến gần 4 triệu đồng; vé quý từ 1.377.000 đồng tới 10.773.000 đồng.

Trạm sẽ miễn, giảm cho một số nhóm phương tiện gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát... Ngoài ra, ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng khu vực các đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu cũng được miễn phí qua trạm.

Dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu được ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vào năm 2012. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng, với quy mô xây tuyến đường dài khoảng 2,6 km, rộng 30 m.

Về chủ đầu tư, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên tiền thân là nhà máy Xi măng Hà Tiên do hãng VENOT.PIC của Cộng hòa Pháp cung cấp thiết bị. Năm 1964, nhà máy Xi măng này chính thức đưa vào hoạt động với công suất ban đầu là 240.000 tấn clinker/năm tại Kiên Lương và 1 dây chuyền sản xuất 280.000 tấn Xi măng/năm tại nhà máy Thủ Đức.

Năm 2000, công ty thực hiện cổ phần hóa, đến năm 2007 trở thành công ty cổ phần. Năm 2009, Công ty CP Hà Tiên 1 và Công ty CP Hà Tiên 2 sáp nhập với tên mới là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên.

Hiện tại, Xi măng Hà Tiên đang sở hữu 2 nhà máy (gồm nhà máy Xi măng Kiên Lương - Kiên Giang và nhà máy Xi măng Bình Phước - Bình Phước) và 3 trạm nghiền Xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu - TP.HCM, Cam Ranh - Khánh Hòa và Long An - Long An) với tổng công suất hơn 4,6 triệu tấn clinker và 7,5 triệu tấn Xi măng/năm. Với thị phần gần 35%, đây cũng là công ty xi măng lớn nhất miền Nam hiện nay.

Chủ đề: Doanh nghiệp xi măng,
  • Xi măng Hà Tiên lên tiếng sau dự án BOT bị thanh tra sai phạm

    Xi măng Hà Tiên lên tiếng sau dự án BOT bị thanh tra sai phạm

    CafeLand – Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 vừa có văn bản giải trình về việc bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án BOT 461 tỷ đồng. Đây là dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9, Tp.HCM.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.