Để giải quyết tình trạng thiếu nhà giá rẻ ở bang Washington và giúp người lao động có nơi ở, một nhóm người phát triển dự án đưa những ngôi nhà cũ từ Canada đến Mỹ bằng đường biển.
Quần đảo San Juan, phía tây bắc bang Washington, Mỹ, là nơi thiếu nhà ở giá rẻ trầm trọng, đe dọa tới kinh tế và cộng đồng. Một nhóm nhỏ phi lợi nhuận đã tìm ra cách để giúp các gia đình đang gặp khó khăn có chỗ ở bằng cách nâng những ngôi nhà không được ưa chuộng ở Canada, đưa chúng vào sà lan và kéo đến khu vực có nhu cầu.
Những ngôi nhà nhỏ theo tiêu chuẩn hiện đại và xưa cũ, được xây dựng từ đầu đến giữa thập niên 20 tại một vùng ngoại ô phát triển ở Victoria, British Columbia, Canada. Tại đây, những người mua đang sốt sắng giải phóng mặt bằng để dọn chỗ cho việc xây dựng công trình mới.
Một ngôi nhà được vận chuyển bằng sà lan từ Canada đến bang Washington, Mỹ vào tháng 8/2015. Ảnh: Nancy DeVaux
Theo các chủ thầu, khung xương của những ngôi nhà này còn rất tốt. Nhóm Tín thác nhà ở cộng đồng San Juan phát hiện ra rằng, chi phí vận chuyển nhà qua eo biển Haro từ Canada tới San Juan cộng với chi phí sửa sang rẻ hơn so với xây dựng từ đầu.
Dự án phát triển nhanh chóng do sự trỗi dậy của ngành du lịch và những người mua nhà nghỉ dưỡng ở San Juan. Các công việc như đánh bắt cá, vận chuyển hàng hải và nông nghiệp cũng ít dần, những ngành từng giúp nhiều người trên đảo trở nên giàu có.
Theo số liệu điều tra dân số, số người sống trong cảnh nghèo đói tại đây tăng 17% kể từ khi kết thúc suy thoái kinh tế vào năm 2009, ngay cả khi nền kinh tế của Washington và khắp đất nước đã dần hồi phục.
"Hoặc có cuộc sống phù hợp, hoặc là cái chết để các gia đình lao động ở lại đây", Peter Kilpatrick, người quản lý dự án tân trang lại các ngôi nhà của nhóm Tín thác nhà ở cộng đồng San Juan nói.
Sau khi việc kéo dây điện, sơn và sửa cấu trúc cho các ngôi nhà được hoàn tất vào tháng 6, những người có đủ điều kiện về thu nhập và cư trú có thể dọn đến ở.
Công nhân nâng móng để chuẩn bị vận chuyển các ngôi nhà. Ảnh: New York Times
Nhờ sự hỗ trợ về đất, tài trợ của chính phủ và quỹ địa phương, người mua chỉ phải bỏ ra từ 160.000 USD tới 210.000 USD để sở hữu một ngôi nhà. Giá thị trường trung bình ở đây là gần 500.000 USD vào cuối năm ngoái, tương đương với một căn hộ ở Seattle. Vì vậy, San Juan có giá nhà phải chăng nhất dành cho những người mua lần đầu, theo trung tâm Runstad về Nghiên cứu bất động sản thuộc Đại học Washington.
Các chuyên gia về nhà ở cho biết, dự án tái định cư nhà ở được triển khai lần đầu tiên tại đây và trên một hòn đảo lân cận. Nhiều dự án khác cũng được tiến hành ở nhiều nơi trên khắp cả nước bởi lượng người vô gia cư gia tăng và tầng lớp lao động đang phải vật lộn với giá cả và chi phí thuê nhà leo thang, thậm chí không tìm được nhà.
"Mọi thứ đang trở nên điên loạn. Và trong cái khó mới ló cái khôn, người ta nghĩ tới việc di dời những ngôi nhà", Carlos Martín, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Đô thị, trụ sở ở Washington D.C (Mỹ), nói.
Ví dụ, những người tán thành dự án nhà ở Honolulu đang cố gắng tạo ra kiểu nhà có mái lá kết hình răng lược truyền thống và cũng là giải pháp giảm chi phí cho việc sử dụng gỗ hoặc bê tông. Ở nhiều thành phố khác, những người theo phong trào nhà nhỏ đang cố gắng thuyết phục về sự tiện ích, chi phí thấp, tiết kiệm của các ngôi nhà. Chính quyền thành phố Portland, bang Oregon và Berkeley, bang California, gần đây thông qua pháp lệnh cho phép người dân có thể xây một căn hộ ở tầng hầm hoặc một ngôi nhà cho thuê ở sân sau.
Các quy định về môi trường chặt chẽ hiện nay ở British Columbia cũng giúp việc nhập khẩu nhà thêm hấp dẫn và giá cả phải chăng.
Trước đây, bạn có thể sử dụng máy xúc đập vỡ một ngôi nhà và mang nó đến bãi rác", Jim Connelly, quản lý bán hàng ở đảo miền nam Vancouver của công ty Nickel Brothers nói.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh yêu cầu các báo cáo về chất liệu độc hại và cách xử lý. Đồng thời, tỉnh yêu cầu phân loại các vật liệu từ kim loại tới tường thạch cao để tái sử dụng nếu có thể. Điều này đẩy giá của việc tháo dỡ một căn nhà cũ lên cao, từ khoảng 3.000 đô Canada (những năm thập niên 90) tới 40.000 đô ở thời điểm hiện tại (khoảng 31.200 USD).
Những ngôi nhà cũ đều có những thiệt hại trong quá trình vận chuyển như không còn tầng hầm, ống khói bị bỏ lại vì gây nguy hiểm khi di chuyển. Trong vài trường hợp, mái hoặc một bên tường ngoài bị phá để có thể đi qua một chướng ngại vật như hầm hoặc cây cối.
Hiện nay, các ngôi nhà thường sử dụng dầm chữ I, khối gỗ và đổ nền bê tông. Ở những ngôi nhà cổ, mọi thứ không hoàn hảo và đồng đều, nhiều phần võng xuống hoặc không được xây dựng với thông số kỹ thuật chính xác. Khi đặt chúng lên một mặt phẳng, mọi thứ sẽ phô ra.
"Việc ngôi nhà đến từ đâu không quan trọng", Kilpatrick nói và chỉ vào chiếc cánh cửa vốn hoạt động trơn tru khi ở vị trí cũ nhưng giờ nó đang bị lệch và phải sửa chữa.
Các chuyên gia về nhà ở và các thành viên nhóm Tín thác nhà ở cộng đồng San Juan cho biết, ngoài những ưu điểm về chi phí, một điều khác không kém phần quan trọng là sự hỗ trợ về tài chính giúp ngôi nhà cũ được đưa vào sử dụng. Việc tái sử dụng và tái chế đã tạo nên một phần sự hấp dẫn của hoạt động gây quỹ.
"Bạn có thể tạo nên tiếng vang. Việc này đã khiến người dân ở đây rất hào hứng, hơn cả chúng ta dự đoán", Sam Buck, phó chủ tịch hội đồng quản trị dự án tuyên bố.
Kat Sherman, 36 tuổi và chồng chưa cưới rất háo hức để sở hữu một ngôi nhà kiểu này.
"Dự án này rất tốt. Nó giúp những người lao động trên đảo có thể sở hữu một ngôi nhà và ở lại đây", Sherman nói.
Tống Hoa (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.