Các dự án chậm tiến độ đã gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt là lãng phí rất lớn tài nguyên đất, nhất là ở các đô thị lớn trên cả nước.
Chậm do nhiều nguyên nhân

Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ vốn đầu tư khổng lồ vào các dự án xây dựng (chiếm 40% GDP) nhưng tỉ lệ lớn trong số đó lại chậm hoàn thành dẫn đến sản xuất đình trệ, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời, lãi suất vẫn phải trả, thiếu công trình cho xã hội, cho người dân…

Bên cạnh đó, nhiều dự án đang triển khai dở dang như nhà ở thu nhập thấp, trường học, bệnh viện, công trình giao thông trọng điểm,…đã khiến cho nhiều học sinh vẫn phải học ở những ngôi trường lụp xụp hay nhiều huyện vùng sâu vùng xa vẫn phải đi hàng chục km mới tới được một bệnh viện,…

Theo thống kê của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chỉ có 1% các công trình hoàn thành đúng tiến độ và các công trình này hầu hết đều là các dự án trọng điểm quốc gia.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ này theo ông Trần Ngọc hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam là do thời gian thực hiện các công trình bị kéo dài ở tất cả các khâu.

Dự án chậm tiến độ: Nhà nước, nhân dân đều thiệt
Nhiều công trình xã hội chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến người dân. Ảnh: N.Y

Một trong số các công trình được hoàn thành đúng tiến độ là dự án thủy điện Sơn La. Ngoài ra còn có thêm các công trình khác như: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Đình, đường mới mở của thành phố Đà Nẵng, Nhà thi Hoa hậu của thành phố Nha Trang,... cũng hoàn thành đúng tiến độ. Còn lại, khoảng 99% tiến độ các dự án đầu tư xây dựng bị chậm so với kế hoạch.

Tình trạng dự án chậm tiến độ diễn ra ở tất cả các địa phương. Tại TP.HCM, hơn 200 dự án, công trình xây dựng trong đó có cả các dự án cấp bách đang triển khai ì ạch, thậm chí đình trệ do vượt tổng dự toán phê duyệt.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh cũng ra quyết định thu hồi 33 dự án đầu tư có vốn trong nước, trong đó có 24 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến 7.424 tỷ đồng.

Trước đó, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có tới 2.813 dự án chậm tiến độ. Việc chậm tiến độ làm tăng chi phí xây dựng, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

“Mổ xẻ” các nguyên nhân khiến cho dự án chậm tiến độ, theo ông Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chậm giải phóng mặt bằng là khâu chậm trễ và khó khăn nhất hiện nay.

Ông Hùng dẫn chứng, có những dự án công tác giải phóng mặt bằng kéo dài 5 năm, 10 năm. Thậm chí như dự án đường vành đai 1 của Hà Nội hơn 10 năm rồi chưa xong mặt bằng.

“Hiện nay việc giải phóng mặt bằng chậm trễ là do giá đền bù thiếu nhất quán và không phù hợp, nhà tái định cư chất lượng kém, không đồng bộ”, ông Hùng cho biết.

Còn theo TS Phạm Văn Khánh, Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), việc chậm giải phóng mặt bằng còn do nhiều quy định có trong Luật Xây dựng nhưng khi triển khai thực tế chưa được như mong muốn. Ví dụ như quy định chủ đầu tư khi triển khai các gói thầu của dự án phải có mặt bằng sạch hoặc ít nhất có cam kết bàn giao mặt bằng đúng tiến độ nhưng chủ đầu tư chưa làm được việc đó.

Ngoài nguyên nhân do giải phóng mặt bằng, ông Trần Ngọc Hùng còn cho rằng, Luật Đấu thầu cũng có nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Hiện nay, việc đấu thầu quá thiên về vấn đề giá rẻ dẫn đến nhà thầu không đủ năng lực, giành đất để đó chờ cơ hội là sang nhượng để hưởng chênh lệch.

Ngoài ra, ở từng địa phương, do áp lực thu hút đầu tư nên việc thẩm định năng lực nhà đầu tư trước khi giao dự án cũng có “vấn đề”, thẩm định cho có... Điều này lý giải vì sao hiện có rất nhiều dự án lớn, trong đó có cả dự án có vốn đầu tư nước ngoài mà các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… từng hy vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng nay buộc phải thu hồi.

Ngoài ra, nguyên nhân khác ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình xây dựng trong năm 2011 vừa qua đó là thị trường xây dựng có quá nhiều biến động, đặc biệt là biến động về giá cả.

TS Phạm Văn Khánh cho biết, trượt giá trung bình trong một năm qua khoảng 20%, trong đó vật liệu xây dựng khoảng 30%, nhân công khoảng 25%. Khi thị trường có biến động, nhiều yếu kém trong quá trình thực hiện dự án cũng bộc lộ, đó là năng lực nhà thầu hạn chế, vốn đầu tư không bảo đảm, nhà thầu yếu lại càng “đói vốn”...

Cho phép điều chỉnh Tổng mức đầu tư

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, quy định hiện hành về quản lý dự án và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình không cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án do các nguyên nhân như giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng biến động hoặc nhà nước thay đổi chế độ, chính sách về tiền lương tối thiểu hay tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng... dẫn đến vượt tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, nếu để các dự án tiếp tục chống chọi với khó khăn do thiếu vốn, kéo dài thời gian thực hiện sẽ dẫn đến hậu quả lãng phí trong đầu tư xây dựng hơn.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng nhiều công trình, dự án chậm tiến độ như thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh tổng mức đầu tư tại một số dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và các nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, nhằm hạn chế lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Đối với những dự án đang triển khai thực hiện, nếu điều chỉnh giá dự toán, giá gói thầu, điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và tiền lương tối thiểu từ ngày 1/1/2011 làm vượt tổng mức đầu tư thì cho phép chủ đầu tư thực hiện biện pháp giảm chi phí như điều chỉnh lại thiết kế, thay đổi chủng loại vật liệu, cắt giảm những hạng mục không cần thiết, thay đổi biện pháp thi công nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu chủ yếu của dự án và chất lượng công trình.

Trong trường hợp chủ đầu tư đã áp dụng các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình mà vẫn dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt thì cho phép được điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, từ kinh nghiệm của Trung Quốc là phải giải phóng mặt bằng trước, làm đường, hạ tầng xong mới đấu thầu dự án, tới đây sẽ kiến nghị không giao cho doanh nghiệp giải phóng mặt bằng mà Nhà nước giải phóng mặt sạch, đầu tư hạ tầng, sau đó tổ chức đấu thầu.

“Như vậy, giá trị chênh lệch từ giá bán đất Nhà nước sẽ hưởng chứ không phải để các doanh nghiệp hưởng như hiện nay”, ông Trần Ngọc Hùng giải thích.
Theo Châu Anh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.