21/10/2016 7:59 AM
Sau khi xem xét cụ thể về chương trình Cao tốc Bắc - Nam, TS Phạm Sanh, giảng viên Đại học GTVT TPHCM cho rằng: Nên chọn các dự án cao tốc có tính hiệu quả, kêu gọi xã hội hóa cả trong lẫn ngoài nước, không nên làm kiểu “đại công trường”.
Thưa ông, vốn Nhà nước đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam dự kiến lên đến 93 nghìn tỷ đồng, hút hết vốn của hạ tầng khác trong 5 năm tới. Theo ông, có nên tập trung nguồn tiền lớn cho cao tốc như vậy không?
Chương trình đường cao tốc Hà Nội - TPHCM phía Đông là một chương trình rất lớn, về cả quy mô lẫn tính chất. Tổng mức đầu tư 230 nghìn tỷ đồng chỉ là khái toán sơ bộ, cần tính toán rõ thêm.
Dự án có thể tiết kiệm giảm chi phí bằng cách không chỉ định thầu, sử dụng thiết kế có sẵn… Sau cùng, tổng mức đầu tư lớn không đáng lo ngại, chỉ ngại tính không chính xác, không cân đối hoặc rất khó huy động vốn xã hội hóa.
Tôi không phản đối việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam, vì hạ tầng giao thông nước ta còn kém, mảng nào cũng cần đầu tư. Riêng về cao tốc, rất tiếc, chương trình cao tốc Bắc - Nam hầu như không nhắc đến Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi, nhu cầu giao thông đường bộ khu vực này rất lớn. Tuyến QL 1 về Cà Mau bị quá tải ngay khi Bộ GTVT vừa mới nâng cấp.
TS Phạm Sanh, giảng viên Đại học GTVT TPHCM.
Để có vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác, nên chăng đầu tư từng đoạn cao tốc bằng hình thức xã hội hóa, không nên dùng vốn Nhà nước đến 93 nghìn tỷ đồng thưa ông?
Điều đó hoàn toàn đúng. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước hiện nay và kinh nghiệm năng lực quản lý thực tế của Bộ GTVT, chỉ nên định hướng quy hoạch và chiến lược phát triển ngành thật tốt, không nên cấp tốc, vội vã đưa ra các chương trình dự án quá tầm. Nên chọn các dự án cao tốc hiệu quả, ít rủi ro, kêu gọi xã hội hoá trong lẫn ngoài nước có tính khả thi hơn; không nên làm kiểu “đại công trường” như mở rộng nâng cấp ồ ạt QL 1, QL 14 vừa rồi.
Bộ GTVT nên làm trước các dự án hiệu quả cao, để làm “mồi” cho các đoạn nối kết. Không nên quá gấp cho chương trình đường cao tốc. Nên dùng ngân sách để tiếp tục mở rộng QL 1 những đoạn còn mở được, thậm chí làm đường song hành, cầu vượt… để giảm tai nạn giao thông trên quốc lộ.
Tờ trình Bộ GTVT gửi Chính phủ có nêu cần có cơ chế chỉ định thầu để thi công nhanh và dư luận cho rằng dễ xảy ra lợi ích nhóm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Không nên dùng hình thức chỉ định thầu. Điều đó làm méo mó Luật Đấu thầu và dễ xảy ra tiêu cực lãng phí. Bộ GTVT cũng đã áp dụng nhiều cho các dự án giao thông những năm vừa, xuất hiện lợi ích nhóm phức tạp, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến tư vấn, nhà thầu, nhà đầu tư, chuyên gia, các hiệp hội… Suất đầu tư cho 1 km đường tăng lên có nguyên nhân từ áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Chúng ta có đủ thời gian nghiên cứu, tinh toán, tại sao phải cứ chỉ định thầu? Cứ cho rằng, thời gian không kịp đi nữa, cứ làm theo luật định, công khai minh bạch, đặt lợi ích người dân và đạo đức công vụ lên trên hết, sẽ lợi cho ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cảm ơn ông.
Sỹ Lực (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.