30/11/2017 11:13 AM
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách trung ương cho Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho Nhà đầu tư tại Dự án BOT Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100.
Dự án BOT Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 đã thông xe từ tháng 3/2017. Ảnh: Nhã Chi
Kiến nghị cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà đầu tư
Như vậy, sau khi UBND tỉnh Bắc Kạn có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến với Bộ GTVT sớm có giải pháp hỗ trợ Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc để được thu giá hoàn vốn, có kinh phí thực hiện quản lý và bảo trì tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và đầu tư xây dựng đoạn tuyến Chợ Mới -thành phố Bắc Kạn, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông và phải ngừng vận hành khai thác do không đủ kinh phí, thì UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã có ý kiến để “kêu cứu” cho Liên danh nhà đầu tư trước nguy cơ phá sản tại dự án BOT này.
Văn bản số 5317/UBND-CNN ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, về chủ trương đầu tư Dự án BOT nêu trên, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ GTVT đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 theo hình thức BOT. Hiện Dự án đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng Nhà đầu tư chưa được thực hiện việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, do dư luận kiến nghị, phản đối việc đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ tại Km77+922,5 Quốc lộ 3 cũ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến Nhà đầu tư có nguy cơ phá sản.
Để giải quyết những vướng mắc này, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết theo hướng dỡ bỏ trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Km77+922,5 Quốc lộ 3 cũ; cho phép Nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới hoặc có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách trung ương cho Nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ trên Quốc lộ 3 cũ; kéo dài thời gian thu giá, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho Nhà đầu tư và tránh bức xúc trong nhân dân.
Bao giờ mới được thu phí hoàn vốn?
Ngày 27/11/2017, Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẩn cầu cho phép thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án BOT nêu trên. Liên danh nhà đầu tư cho biết, Dự án đã thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ GTVT nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Hiệu quả đầu tư của tuyến đường đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao trong dịp thăm tỉnh này vào ngày 18 và 19/11/2017, cụ thể là việc đầu tư Dự án đã giúp giảm thời gian đi từ Hà Nội lên Bắc Kạn, chỉ mất 2 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, việc thu giá hoàn vốn cho Dự án BOT này khá lận đận vì kể từ thời điểm thông xe tuyến đường này đến nay đã 9 tháng nhưng Liên danh nhà đầu tư CIENCO4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc vẫn chưa được thu phí hoàn vốn trong khi lãi vay ngân hàng phải trả và chi phí quản lý, bảo trì tuyến đường phải duy trì.
Vào tháng 9/2017, Nhà đầu tư đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương để khẩn cầu xem xét chỉ đạo có giải pháp thực hiện triển khai thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ hoàn vốn cho Dự án. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển Bộ GTVT giải quyết theo quy định. Ngày 25/10/2017, Bộ GTVT đã mời UBND các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Nhà đầu tư họp với Bộ GTVT để thống nhất, tuy nhiên không có kết quả và Bộ GTVT yêu cầu Nhà đầu tư báo cáo lại. Sau khi Nhà đầu tư báo cáo cụ thể, ngày 9/11/2017, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT về phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho người dân trước ngày 25/11/2017.
Mặc dù vậy, cho đến nay các cơ quan ban ngành liên quan, từ Trung ương cho đến chính quyền địa phương vẫn chưa chốt được phương án, thời điểm để Nhà đầu tư được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn Dự án BOT này, trong khi nguy cơ vỡ nợ đối với doanh nghiệp dự án BOT này là nhãn tiền.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Tuấn Dũng (Báo Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.