Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sắp thu phí tương đương cao tốc
Tự ý đưa máy móc vào thi công
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân cho biết, hiện tại, việc triển khai dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Khó khăn lớn nhất là GPMB tại 4 trạm thu phí BOT, đặc biệt là trạm thu phí Thanh Trì và Thường Tín. “Chủ đầu tư đã chuyển toàn bộ số tiền đền bù GPMB về ngân sách huyện Thường Tín và Thanh Trì, tuy vậy, hiện trạm thu phí Thanh Trì vẫn còn vướng 14/88 hộ, trạm thu phí Thường Tín còn vướng 13 hộ. Từ ngày 29-5 tới nay, công trường đã phải dừng thi công do người dân ra cản trở tại khu vực xã Liên Phương (Thường Tín)”, bà Nguyễn Thị Cẩm Tú thông tin.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho hay, trong khi trình tự thủ tục, hồ sơ đền bù GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn chưa hoàn thiện, tiền bồi thường chưa chi trả thì Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ - chủ đầu tư - đã đưa máy móc và công nhân vào thi công khiến nhân dân rất bức xúc, gây mất trật tự, an ninh. “Rất may chính quyền can thiệp kịp thời nên chưa xảy ra xô xát hay hậu quả đáng tiếc”, ông Nguyễn Huy Đức cho biết.
Trước sự việc này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu phải xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị thi công và chủ đầu tư khi chưa hoàn thiện hồ sơ đền bù GPMB cho người dân đã tự ý đưa máy móc vào thi công. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Không phải nhà đầu tư dự án BOT chuyển tiền đền bù GPMB về kho bạc huyện rồi muốn làm gì cũng được. Thu hồi 1m2 đất của người dân cũng phải tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục”.
Đổ lỗi vòng quanh
Tại dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đến nay, mọi việc vẫn rất ì ạch. Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư liên tục đề nghị Bộ GTVT làm việc với Hòa Bình và Hà Nội để tháo gỡ vướng mắc GPMB. Khởi công từ ngày 17-5-2014 nhưng đến nay, tiến độ thi công ước đạt 7%. Theo ông Lưu Việt Khoa, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 2 (Bộ GTVT - đơn vị quản lý và điều hành dự án), nguyên nhân tiến độ ì ạch chủ yếu do GPMB bằng chậm.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,7km, tổng mức đầu tư xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Riêng đoạn qua tỉnh Hòa Bình có tổng chiều dài 19,3km với 658 hộ dân bị ảnh hưởng. 6,4km còn lại đi qua địa phận huyện Thạch Thất và Ba Vì (Hà Nội). Ông Lưu Việt Khoa cho biết, riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, địa phương thông báo phải hết 30-9-2015 mới có thể bàn giao mặt bằng.
Với 6,4km qua địa bàn Hà Nội, đến nay, chủ đầu tư chưa làm việc với đơn vị nào về việc GPMB cũng như cắm mốc chỉ giới đường đỏ cho dự án.
Đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô đều cho biết, rất ủng hộ, tạo điều kiện cho dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được bất kỳ công văn, tài liệu nào của chủ đầu tư làm căn cứ để phê duyệt. Tương tự, đại diện UBND huyện Thạch Thất cho biết, tuyến đường sẽ chiếm khoảng 2,4ha đất của 2 xã thuộc huyện. Ngay từ khi biết chủ trương, huyện đã họp với nhân dân 2 xã để phổ biến, nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư chưa gửi bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào về dự án cho địa phương nên huyện cũng không biết phải làm gì.
Mới đây, tại cuộc họp về triển khai dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị nhà đầu tư xem xét, đánh giá lại năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, nếu không đạt yêu cầu thì thay thế. Tại cuộc họp sáng 13-8, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cũng yêu cầu Ban QLDA 2 phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm việc với các đơn vị liên quan về mốc giới, về GPMB…