Trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, để có đủ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, cần huy động nhiều nguồn vốn. Kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) là một giải pháp phù hợp thực tiễn nhằm tận dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, cũng như đưa nguồn vốn tư nhân vào thị trường. Một chủ trương đúng đắn như vậy, sao lại bị dân kêu?
Đối với các dự án giao thông BOT, BT thì việc hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người thu phí và người trả phí là điều kiện tiên quyết. Ảnh: Thành Hoa.
Dân nói “ăn dày”
Ở dự án BOT, mức thu phí cao hơn hẳn phương án tài chính. Điển hình là đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, số thu bình quân 1,97 tỉ đồng/ngày trong khi nhà đầu tư báo cáo số thu chỉ là 582 triệu đồng/ngày (bằng 29% so với thực tế) - Bài “Bị ép qua trạm thu phí BOT” trên báo Người Lao Động ngày 16-9-2016.
Kiểm toán Nhà nước trong báo cáo kiểm toán dự án xây dựng cầu Cổ Chiên (nối Trà Vinh - Bến Tre) đã kiến nghị giảm lợi nhuận nhà đầu tư hơn 433 tỉ đồng, giảm lãi vay hơn 1.000 tỉ đồng và giảm thời gian thu phí hơn 5 năm - Bài “Phải giảm thu phí dự án BOT cầu Cổ Chiên hơn 5 năm” trên báo Tuổi Trẻ ngày 7-9-2016.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án BOT phải giảm thời gian thu phí so với hợp đồng đã ký, giảm 7 năm 7 tháng với một dự án trên quốc lộ 19, giảm tới 10 năm với một dự án ở Tây nguyên - Bài “Xử nhiều dự án BOT ăn dày” trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-8-2016.
Ở dự án quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có doanh thu năm 2015, lên tới 110,983 tỉ đồng nhưng trong phương án tài chính xác định là 90,424 tỉ đồng, như vậy thu vượt trên 20 tỉ đồng - Bài “Minh bạch đầu tư BOT giao thông: Chống thất thoát thu phí cách nào ?” trên Báo Giao thông ngày 31-5-2016.
Như vậy, ở dự án BOT có điểm chung là tổng mức đầu tư thực tế thấp hơn phê duyệt.
Lý giải việc chỉ định thầu phần lớn các dự án BOT ngành giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng do không có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu nên bắt buộc bộ phải chỉ định thầu để bảo đảm tiến độ, thu hút đầu tư và giải quyết nhu cầu bức xúc của các địa phương. Trong đầu tư hay kinh doanh, nhà thầu nào cũng luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, lãi càng cao thì càng hấp dẫn.
Ở dự án BOT giao thông “ăn dày” như vậy, tại sao không có nhiều nhà thầu tham gia?
Vì sao “ăn dày”?
Đầu tư dự án BOT được xem là miếng bánh hấp dẫn và lợi nhuận cao, hình thức thực hiện chưa có tiêu chuẩn chung trong mẫu hợp đồng để ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Không loạt trừ khả năng nhà đầu tư tận dụng bất cập trong chính sách, mối quan hệ ngoài luồng, vận động hành lang để thu lợi bất hợp lý, thiệt hại nếu có thì người dân phải gánh chịu.
Thực tế hầu hết nhà đầu tư đều đưa phương án vay vốn vào hợp đồng khiến cho suất đầu tư tăng cao vì phải trả lãi vay, kéo dài thời gian thu phí. Thành ra, nhiều dự án BOT có suất đầu tư cao hơn hẳn các dự án đầu tư khác. Mặt khác, nếu không đủ vốn tự có tối thiểu 10 - 15% tổng mức đầu tư, việc nâng “khống” chi phí còn để nhà đầu tư được vay vốn nhiều hơn và đảm bảo khả năng thu hồi vốn sớm hơn. Đáng chú ý, Nhà nước khó khăn mới kêu gọi đầu tư, còn nhà đầu tư lại đi vay tiền làm dự án. Lãi vay cho một vòng đời dự án có khi lên đến hàng ngàn tỉ đồng, chiếm hàng chục phần trăm tổng mức đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư hoàn toàn có thể huy động vốn từ các nhà thầu phụ, mà có thể không tốn khoản chi phí trả lãi vay trong thời gian thi công.
Dự án do nhà đầu tư quản lý và tổ chức thực hiện theo quy trình khép kín từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, tính toán tổng mức đầu tư, đề xuất phương án hoàn vốn, rồi đến thu phí… Liệu có khách quan nếu thiếu đơn vị chuyên môn độc lập để kiểm tra, thẩm định?
Kiểm soát thu phí của nhà đầu tư dường như được bảo mật, người dân hầu như không biết. Nội bộ các bên tham gia cũng từng “tố” nhau thiếu minh bạch thu phí ở dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, báo chí đã phản ảnh, dư luận xôn xao. Và chính nội bộ với nhau còn mất niềm tin thì liệu người dân có thể tin số tiền thu phí không bị thất thoát trong thời gian 15 năm, 20 năm, 30 năm?
Và người dân lại bị đặt vào chuyện đã rồi, phải đóng phí vì chỉ có một tuyến đường để lưu thông. Lẽ ra nên xây dựng tuyến đường mới để người dân được lựa chọn, đằng này nhà đầu tư làm dự án trên tuyến đường cũ có đông phương tiện lưu thông như quốc lộ, tỉnh lộ, đường trục, đường vành đai… Sở dĩ làm điều này đơn giản hơn, chỉ là nâng cấp hoặc cải tạo để biến đường của chung thành đường BOT rồi thu phí, chắc chắn suất đầu tư cũng thấp hơn hẳn so với việc xây mới.
Lo là hầu hết dự án thực hiện theo hình thức BOT thường hướng đến chỉ định thầu ngay từ đầu, dù quy định là phải ưu tiên đấu thầu rộng rãi. Rõ ràng chỉ định thầu khó đảm bảo sự cạnh tranh, dễ xảy ra lợi ích nhóm, rủi ro luôn rình rập, phần thiệt thường thuộc về Nhà nước và người dân.
Đầu tư cũng “độc quyền”
Về đề xuất dự án BOT, có hai cách thức. Một là, cho phép nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án thuộc danh mục kêu gọi đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Hai là, nhà đầu tư chủ động đề xuất dự án để thực hiện và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Một khi nhà đầu tư đề xuất dự án, tự lập hồ sơ và tổ chức thực hiện, biết chắc có lợi nhuận thì họ mới làm. Lo là hiện nay hầu hết các dự án thực hiện theo hình thức BOT thường được hướng đến chỉ định thầu ngay từ đầu, điển hình và dễ thấy nhất là trên lĩnh vực giao thông. Lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu, nghĩa là phải ưu tiên đấu thầu (Nghị định 15/2015/NĐ-CP tại Điều 29). Dù vậy hầu hết dự án đều được chỉ định nhà đầu tư thường viện dẫn lý do công trình cấp bách và có liên quan đến sở hữu trí tuệ, công nghệ, đáp ứng yêu cầu và hiệu quả, chỉ có một nhà đầu tư đăng ký…
Chỉ định thầu cho thấy không đảm bảo sự cạnh tranh, dễ xảy ra lợi ích nhóm, rủi ro rình rập, phần thiệt thường thuộc về Nhà nước.
Thực trạng đáng chú ý là nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi thường được chọn thực hiện dự án. Theo quy định tại Mục 3 Điều 24 tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, việc giao cho nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, thỏa thuận về mục đích, yêu cầu, chi phí có liên quan đến việc lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, nguyên tắc xử lý trong trường hợp nhà đầu tư khác được thực hiện dự án.
Như vậy rõ ràng theo quy định, nhà đầu tư được chỉ định lập báo cáo nghiên cứu khả thi không có nghĩa là giao thực hiện dự án.
Khi đã có báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ thể hiện được thông tin cơ bản về tên dự án, mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu, tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp... Trên cơ sở đó, nhiều người cho rằng các nhà đầu tư khác sẽ có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu về dự án, đảm bảo tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.
Thực tế, không phải vậy. Bởi một khi nhà đầu tư tham gia dự án luôn muốn biết các nội dung cụ thể, chi tiết khối lượng xây dựng công trình (chỉ có ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật). Đặc biệt là biết rõ tổng mức đầu tư, vốn tham gia của nhà nước, tiến độ thực hiện, các thỏa thuận có liên quan (chỉ có ở giai đoạn đàm phán ký hợp đồng).
Minh bạch thông tin
Xét kỹ thì đầu tư theo hình thức BOT, cũng là đầu tư bằng tài sản nhà nước. Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, hài hòa, hợp lý. Hạn chế thất thoát cần minh bạch thông tin, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng, có đơn vị độc lập giám sátvà thẩm định tổng mức đầu tư.
Cần đơn vị có chức năng và chuyên môn, đại diện cho bên ký hợp đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát về chi phí, tiến độ, chất lượng, khối lượng, phát sinh trong suốt quá trình thực hiện dự án… Qua đó, mọi thông tin đều được kiểm soát và xác định chính xác tổng mức đầu tư cùng các khoản chi phí có liên quan mà nhà đầu tư đã thực sự bỏ ra cho dự án. Các công việc này hoàn toàn độc lập nên không ảnh hưởng tiến trình thực hiện, thủ tục liên quan đến dự án.
Nên tạo cơ hội cho người dân thực hiện vai trò theo dõi, giám sát, kiểm tra. Người dân là chủ thể chi trả cho các khoản đầu tư, phải có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ. Ngoài ra, khuyến khích đoàn thể chính trị và tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên môn phản biện về hiệu quả dự án.
Hợp đồng BOT và phương án thu phí, không phải là tài liệu bí mật, bắt buộc phải công khai.
Hơn nữa là xác định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cá nhân được ủy quyền trong công tác chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư.
Khi đầu tư dự án BOT phải cho người dân quyền được lựa chọn, đi trên đường cũ để miễn phí, đi trên đường mới thì đóng phí, đừng ép người dân phải đi đường BOT và trả những phí bất hợp lý.
Nên chăng, ở giải đoạn đề xuất dự án trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi, thể hiện thông tin chi tiết (thay vì thông tin cơ bản) về khối lượng công việc, phương án hoàn vốn, chi phí có liên quan… Cũng như xác định cụ thể phạm vi quyền hạn, trách nhiệm cơ quan nhà nước và cá nhân được ủy quyền trong chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư.
Đấu thầu là một trong các yếu tố quan trọng tạo ra sự cạnh tranh, đem lại hiệu quả trong thực hiện đầu tư xây dựng mà nhất là ở các dự án lớn được đầu tư theo hình thức BOT, lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất trên cơ sở đáp ứng chuyên môn và mạnh về tài chính để hạn chế lãi vay cho dự án.
Mẫu hợp đồng chuẩn là cần thiết để áp dụng đồng bộ, công khai thông tin chi tiết. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư dễ tiếp cận, biết rõ cách thức thanh toán, hoàn vốn và có lãi thì sẽ mạnh dạn tham gia.
Ở trạm thu phí BOT nên áp dụng công nghệ tiên tiến tự động (ETC), không dừng và sử dụng ấn chỉ mã vạch, không có sự tác động của nhân viên… để kiểm soát, minh bạch và đặc biệt là có thể trích xuất bất cứ lúc nào vì lưu trữ tất cả số liệu về lượt xe, biển số, giá vé, file ảnh, video...
Giám sát chặt hơn đối với dự án BOT. Nếu chỉ để các đơn vị chuyên ngành giao thông thực hiện giám sát thì dễ bị cho là không khách quan “vì vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nên chăng, cùng với Kiểm toán Nhà nước, cần sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Xây dựng?
Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Trần Văn Tường (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.