Khu đất hoang được Công ty Ba Thành Phát rao bán cho khách hàng
Tiền tỷ mua đất dự án “ma”
Trong đơn tố cáo gửi đến báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thái Hòa (ngụ tại Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa) nói rằng, đầu năm 2018, bà biết Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal đang triển khai dự án Golden Central Park ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thông tin bà Hòa nhận được từ phía chủ đầu tư là dự án Golden Central Park giai đoạn 1 có 114 lô đất nền thổ cư 100%, sổ đỏ riêng từng lô và xây dựng tự do.
Đến tháng 5/2018, bà Hòa vào TPHCM đăng ký hợp đồng mua lô đất A07, diện tích 105m2 của dự án Golden Central Park. Tháng 8/2018, bà Hòa mua tiếp lô C07 diện tích 137,3m2 và tháng 9/2018 mua tiếp lô đất C06 diện tích 143,7m2. Tất cả 3 lô đất này đều ký hợp đồng mua bán với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal.
Thế nhưng, khi thanh toán tiền cả 3 lô đất này, tiền không được chuyển vào tài khoản Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal mà vào tài khoản cá nhân ông Lê Anh Đức. Ông Đức là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal.
Khách hàng mua đất dự án “ma” ở Bình Dương trao đổi với PV Tiền Phong Ảnh: P.V
Vào tháng 7/2019, khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lô A07, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal mời bà Hòa đến ký hợp đồng chuyển nhượng. Lúc này, bà Hòa bất ngờ khi bên chuyển nhượng đất cho bà không phải Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal mà là cá nhân ông Lê Anh Đức (ngụ tại 87L6, khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Khi giao sổ đỏ lô A07, phần diện tích đất ở chỉ có 70m2, phần còn lại là đất trồng cây lâu năm và thời gian ra sổ đỏ chậm 8 tháng so với cam kết ban đầu.
Sau đó, bà Hòa có hỏi về thời gian nhận sổ đỏ lô C07 và C06 thì phía Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal hẹn đến tháng 10/2019 rồi tháng 12/2019 sẽ có sổ đỏ. Sau đó, công ty này trả lời chưa biết đến khi nào có sổ đỏ cho hai lô đất còn lại.
Đáng nói, một phần dự án Golden Central Park có quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tại huyện Long Điền được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt theo quyết định của UBND tỉnh này là đất ở và đất giao thông. Tại Công văn số 4152/UBND-VP của huyện Long Điền cũng nêu rõ, các vị trí đất mà ông Lê Anh Đức xin chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở để thực hiện dự án Golden Central Park phải chờ kết quả điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị đến năm 2025, định hướng đến 2030. Còn hiện tại, khu vực này là đất quy hoạch giao thông.
Cũng ở dự án Golden Central Park, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ Đống Đa, Hà Nội) bỏ hơn 1,5 tỷ đồng mua lô D-01, khu D với diện tích gần 169m2. Theo hợp đồng mua bán, 5 tháng sau ngày đặt cọc, ông phải thanh toán 100% trị giá lô đất và nhận sổ đỏ. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua, ông Dũng vẫn chưa thấy đất ở đâu.
Tại Bình Dương, hàng loạt công ty bất động sản non trẻ mọc lên, những dự án “ma” cũng được lập, bủa vây các khu công nghiệp ở Bình Dương. Thấy đất nền giá rẻ, hợp túi tiền, nhiều công nhân đã xuống tiền giao dịch và đang đứng trước nguy cơ trắng tay.
Cụ thể, trong đơn có 40 công nhân cùng ký tên tố Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng địa ốc Đất Việt (gọi tắt là Công ty Đất Việt) đã sang nhượng đất “dự án ma” thu tiền khách hàng nhưng sau 3 năm không có đất để giao; công ty này cũng không trả lại tiền và tìm cách né tránh.
Anh T.Q.T cho biết, vào ngày 30/8/2018, anh T. đã mua một nền đất tại dự án mang tên Khu nhà ở Chánh Phú Hòa (TX Bến Cát, Bình Dương) của Công ty Đất Việt với số tiền 680 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay phía công ty chưa bàn giao các giấy tờ pháp lý liên quan lô đất. Nhận thấy dự án bất cập, anh T. đến đòi lại tiền thì phía công ty tìm cách né tránh.
Tương tự, anh L.D.L cho biết: “Khi thấy Công ty Đất Việt rao bán dự án Khu nhà ở Chánh Phú Hòa gần nơi anh L. làm việc, giá cả hợp khả năng nên anh đặt tiền mua một nền (giá hơn 600 triệu đồng vào cuối năm 2018). Công ty không giao giấy tờ pháp lý theo đúng thời gian cam kết trong hợp đồng. Tôi đòi lại tiền, họ đồng ý bằng văn bản sẽ trả nhưng đến hẹn không trả và tìm cách né tránh”.
Trong khi đó, hàng chục người khác chủ yếu là công nhân cũng đang cầu cứu cơ quan chức năng vì mua phải dự án mang tên Thành Phát City 1 tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương do Công ty Ba Thành Phát làm chủ đầu tư. “Cuối năm 2018, tôi giao tiền mua lô đất tại dự án Thành Phát City 1 của Công ty Ba Thành Phát với số tiền 380 triệu đồng/nền 80m2. Thế nhưng, cho đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, tôi đến đòi lại tiền thì họ không trả, tìm đủ cách tránh mặt”, anh N.A.L (một khách hàng) nói và cho biết thêm, ngoài anh còn có khoảng 50 khách hàng khác mua đất tại dự án này.
Một dự án “ma” khác đang khiến hàng chục khách hàng đứng trước nguy cơ trắng tay nằm trên địa bàn xã An Điền, TX Bến Cát, Bình Dương. Anh T.V.T và 48 người khác cũng mua đất dự án “ma” mang tên An Điền 1, An Điền 2 của Cty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc SP Land. Theo đó, đầu năm 2018, nhiều khách hàng là người lao động nhập cư này đã chuyển cho công ty từ 400 đến 480 triệu đồng để mua đất. Tuy nhiên, sau 2 năm dự án vẫn là bãi đất trống.
Công an đang giải quyết
Theo đại tá Nguyễn Huy Cương, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công an tỉnh này đã nhận được đơn tố giác tội phạm của bà Nguyễn Thái Hòa. Nội dung, bà Hòa tố giác ông Lê Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Vincomreal “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong ký hợp đồng sang nhượng đất dự án khu dân cư Golden Central Park tại huyện Long Điền. Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiến hành kiểm tra, xác minh.
Trong khi đó, UBND huyện Long Điền khẳng định, trên địa bàn không có bất cứ dự án nào mang tên Golden Central Park. Dự án nào mang tên Golden Central Park là dự án “ma”, do các cá nhân tự ý phân lô bán nền.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, tất cả dự án mà PV Tiền Phong nhắc đến tên đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép đủ điều kiện để giao dịch. Đối với Dự án khu nhà ở Chánh Phú Hòa, mới chỉ có bản phê duyệt tỷ lệ 1/500. Do đó, để giao dịch mua bán doanh nghiệp cần rất nhiều văn bản pháp lý bắt buộc khác. Về dự án Thành Phát City 1; An Điền 1, An Điền 2 chưa được cơ quan chức năng cấp phép thực hiện.
Thiếu tá Nguyễn Minh Kiên, Trưởng phòng Cảnh sát An ninh Kinh tế Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của hàng trăm khách hàng giao dịch chuyển nhượng đất tại các dự án gồm Khu nhà ở Chánh Phú Hòa, Thành Phát City 1, An Điền 1, An Điền 2. Hiện tại, Công an đang điều tra làm rõ, đồng thời phát thông báo đến người dân cảnh giác khi mua đất tại các dự án chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM nói rằng, để xảy ra tình trạng dự án “ma” là do quản lý lỏng lẻo. Cụ thể, đất nông nghiệp nhưng chủ đầu tư dự án làm hạ tầng đường, vỉa hè, phân lô nhưng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không xử phạt, không áp dụng biện pháp yêu cầu chủ đầu tư trả lại hiện trạng ban đầu theo quy định của Luật Đất đai. Doanh nghiệp quảng cáo sai nhưng không được giám sát, phát hiện…, do đó, có những trường hợp vẽ ra dự án “ma” chiếm đoạt tiền người dân nhưng công an khó giải quyết. “Người lỡ mua đất nền trong dự án “ma” thì nên hủy hợp đồng để đòi lại tiền. Nếu bên bán không trả tiền thì làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước để được kiểm tra, xử lý và khởi kiện ra Tòa”, ông Phượng nói. |
-
Lừa đảo bán dự án “ma” hàng trăm tỷ sau đó thoát tội vì… bị tâm thần
CafeLand - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang trưng cầu giám định pháp y tâm thần lần 2 đối với bà Trần Thị Mỹ Hiền, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land.