Sau hơn mười năm triển khai và nhiều lần đổi chủ, đến nay dự án “Khu liên hợp khách sạn, thể thao, trung tâm thương mại, chung cư và biệt thự cho thuê” (bãi biển Cửa Lò, Nghệ An) với tổng vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD vẫn là một công trình dang dở.
Hơn 100 căn biệt thự xây thô của dự án bị bỏ hoang không ai quản lý, xuống cấp trước tác động của thời tiết, trở thành chỗ... chăn thả trâu bò.
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang với hàng trăm biệt thự được xây dở dang đã bắt đầu xuống cấp - Ảnh: Hồ Văn
Số phận “long đong”
Tháng 12-2003, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH tư vấn xây dựng Hồng Thái (trụ sở tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) và Công ty Safekeeping Investment Trust (Úc) thành lập Công ty liên doanh Hồng Thái S.I.T để thực hiện dự án khu liên hợp khách sạn, thể thao, trung tâm thương mại, chung cư và nhà biệt thự cho thuê (xã Nghi Hương, thị xã Cửa Lò) trên diện tích khoảng 160.000m2, tổng vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định thu hồi 169.429m2 đất của hàng chục hộ dân xã Nghi Hương (nay là phường Nghi Hương) và phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò để giao nhà đầu tư.
Ông Phan Công Đối, trưởng Phòng quản lý đô thị UBND thị xã Cửa Lò, cho biết vào năm 2005, do nhà đầu tư tự ý xây dựng thêm 28 căn biệt thự, làm sai lệch so với dự án và quy hoạch được duyệt, dẫn tới việc bị rút giấy phép vì vi phạm Luật đầu tư.
Chưa hết, trong quá trình triển khai, phía đối tác nước ngoài không chuyển tiền vào xây dựng dự án như cam kết, sau đó lại xin rút khỏi dự án và tuyên bố không chịu trách nhiệm cũng như nghĩa vụ gì đối với dự án nữa.
Ngày 9-8-2005, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã quyết định chấm dứt hoạt động của Công ty liên doanh Hồng Thái S.I.T, đồng thời có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc thanh lý tài sản công ty liên doanh này. Tháng 11-2006, giấy phép đầu tư của Hồng Thái S.I.T cũng bị thu hồi.
Sau khi chủ đầu tư bị rút giấy phép, nhiều doanh nghiệp khác cũng từng tìm đến “đánh tiếng” về dự án này. Cụ thể tháng 6-2007, Công ty cổ phần G5 VN và Công ty TNHH mỹ thuật Sơn Hà (trụ sở đều ở Hà Nội) có các tờ trình và công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An xin được tiếp nhận, triển khai xây dựng và khai thác dự án.
Theo đó, ngoài giá trị xây dựng đã hoàn thành của dự án khoảng 63 tỉ đồng, các doanh nghiệp này sẽ đầu tư tiếp 70 tỉ đồng (giai đoạn 1) và hơn 668 tỉ đồng (giai đoạn 2) để đưa dự án vào khai thác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng xin thuê thêm 100.000m2 mặt nước biển, 80.000m2 bãi cát ven bờ biển liền kề dự án cũ để triển khai các hạng mục Cha Rồng - Mẹ Tiên. Tuy nhiên, ý tưởng của hai nhà đầu tư sau đó không thành hiện thực vì nhiều lý do.
Ngoài ra, Công ty CP đầu tư thương mại và du lịch Kim Liên (Nghệ An) cũng tìm đến ngỏ ý tiếp nhận dự án, nhưng thực chất chỉ là “đòn gió”. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 16-6-2009 UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ đồng ý về nguyên tắc cho phép Công ty Kim Liên tiếp cận dự án để nghiên cứu đầu tư.
Tuy nhiên, công ty này đã rêu rao dự án đã được UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Kim Liên đầu tư, khiến nhiều người tin tưởng góp vốn. Vụ lừa đảo này đã bị Công an tỉnh Nghệ An và Bộ Công an phối hợp điều tra, bắt giữ giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (hiện đã bị truy tố, xét xử và nhận mức án tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 11 bị hại với số tiền 73 tỉ đồng).
Có nhà đầu tư mới, dự án vẫn ngổn ngang
Trong những ngày đầu tháng 4, trở lại nơi có dự án bị “bỏ rơi” hơn 10 năm qua, trước mắt chúng tôi là hàng trăm căn biệt thự được xây dựng dang dở hiện đang xuống cấp trầm trọng.
Lối vào các căn biệt thự cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân. Những bức tường gạch chưa được trát vữa, rêu phong đã phủ lên dày kín.
Trong khu biệt thự triệu đô này có nhiều căn đã gần hoàn thiện, được lợp mái, sơn tường, lắp khung cửa... nhưng nay cũng bị mối mọt ăn rơi rụng gần hết.
Ông Nguyễn Đình Phúc (47 tuổi, phường Nghi Hương), sinh sống gần khu biệt thự bỏ hoang, kể lại: “Trước đây, khu vực này là vùng đất trồng rừng phòng hộ. Lúc khai trương dự án rất rầm rộ, nhưng không hiểu sao họ xây dựng còn dang dở rồi bỏ hoang 10 năm nay...”.
Ông Phúc cho biết nghe dự án này đã có chủ đầu tư mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối tháng 10-2014 UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này cho Công ty CP đầu tư thương mại Bảo Khánh Hamico (Nghệ An) sau một thời gian Sở Kế hoạch và đầu tư xem xét, thẩm định hồ sơ.
Theo đó, Bảo Khánh Hamico sẽ đầu tư triển khai dự án với tổng vốn hơn 1.050 tỉ đồng, trong đó vốn tự có trên 224 tỉ đồng, vốn huy động và vốn vay ngân hàng trên 826 tỉ đồng. Trước đó, Bảo Khánh Hamico đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng từ liên doanh Hồng Thái S.I.T phần giá trị đã đầu tư tại dự án (trị giá hơn 66,8 tỉ đồng).
Theo hồ sơ đầu tư mới của Bảo Khánh Hamico, công ty này sẽ xây dựng một khu liên hợp với các khách sạn cao tầng hiện đại, kết hợp với các công trình thương mại, siêu thị, dịch vụ, các công trình công cộng và các khu nhà ở biệt thự vườn, nhà ở liền kề...
Tổng diện tích đất dự án được quy hoạch là 159.185m2, quy mô dân số dự kiến 2.000 người. Tiến độ thực hiện sẽ chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một từ quý 4-2014 đến quý 4-2018 sẽ trùng tu các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, xây thêm một số biệt thự mới; giai đoạn hai từ quý 1-2019 đến quý 4-2023 sẽ hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Tuy nhiên khi chúng tôi tìm về dự án triệu đô những ngày này, mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi. Khu biệt thự vẫn nằm trơ gan cùng mưa nắng, các hạng mục tiếp tục xuống cấp, hư hỏng. Công trường không một bóng công nhân thi công, chỉ có vài con bò tha thẩn dạo trong khuôn viên của dự án triệu đô...
“Sau khi được tiếp nhận dự án, Công ty Bảo Khánh Hamico đã xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận lại được hồ sơ điều chỉnh quy hoạch này, nên cũng không biết đến khi nào dự án mới tiếp tục được triển khai” - ông Đối nói.
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...
-
VICEM xin tiếp tục đầu tư tháp nghìn tỉ “đắp chiếu” hơn chục năm trên đất vàng Hà Nội
Tổng Công ty xi măng Việt Nam (VICEM) kiến nghị Bộ Xây dựng xin giữ lại tiếp tục sử dụng khu đất tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM....