Ông đang quan tâm nhất điều gì về kinh tế Việt Nam? Tôi hỏi một nhà đầu tư đến từ Mỹ, bên lề Hội nghị Kết nối đầu tư 2012 tổ chức tuần rồi ở TP.HCM. "Sự thật", ông nói. "Khi tôi sang Việt Nam thì khách hàng của tôi đặt ra 2 câu hỏi: Nếu tôi bỏ vốn vào Việt Nam thì liệu có gặp vấn đề gì khi rút tiền về không? Tôi có thể tin vào những con số tôi đọc trên báo về kinh tế Việt Nam hay không?".
Sau hơn một ngày tham gia hội nghị, tôi tìm lại ông ở hành lang. Ông có tìm thấy điều ông muốn không? Không, mà là có. Tại vì các thông tin tôi cũng như các nhà đầu tư khác cần không có đủ trong các câu trả lời, nhưng có thể thấy một phần vấn đề của chúng ta. Đó là tiền đâu? Tiền đâu để rót vào thị trường tài chính và thị trường bất động sản? Không phải riêng nhà đầu tư từ Mỹ, câu hỏi này được hơn 200 đại biểu đến hội nghị để tìm câu trả lời.
Dòng vốn dường như đã ngừng chảy vào thị trường Việt Nam. Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt Tô Hải nói rằng, các nhà đầu tư gián tiếp đã chần chừ trong việc bỏ vốn, cụ thể từ đầu năm đến nay đầu tư của khối này chững lại. Và ông thừa nhận, thực tế hầu hết nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính Việt Nam cho đến lúc này đã không thành công.
Trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Sơn nói, hiện các dự án bất động sản, tài nguyên khoáng sản hay ngân hàng tài chính có nhu cầu vốn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội thu hút vốn trong và ngoài nước. Nhu cầu huy động vốn quốc tế là bài toán đặt ra đối với Việt Nam hiện nay, đặc biệt đối với dự án tốt. "Sự khó khăn trong tiếp cận vốn tôi cho rằng sẽ phải đến hết 2013", ông Sơn nói.
Nếu ví von Việt Nam là một đại công ty, thì nên nhìn thẳng vào vấn đề là thời gian gần đây, nó đã hoạt động kém hiệu quả, theo lời ông Tô Hải. Nợ xấu tăng cao, các doanh nghiệp nội địa rơi vào cảnh nợ nần, sản xuất đình đốn, tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại. Một công ty đối diện với khả năng mất vốn thì tất yếu phải tái cơ cấu. Việc tất yếu để công ty đó khỏe lại phải được tiếp sức bằng các nguồn lực mới. Dòng vốn quốc tế, với vai trò chất xúc tác đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao cần được hút lại.
Vì sao dòng vốn ngừng chảy? Các diễn giả cho rằng ngoài sự suy thoái chung của bối cảnh kinh tế toàn cầu thì các yếu tố chưa hoàn thiện trong nước cũng là rào cản nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, đó là nợ xấu và các vấn đề của ngành ngân hàng.
Một rào cản rất lớn sự trỗi dậy của thị trường tài chính và dòng tiền là nợ xấu. "Mọi người đều biết tình hình hiện nay không tốt lắm. Có những ngân hàng chưa tốt lắm với tỷ lệ nợ xấu cao, các số liệu nợ xấu có sự chênh lệch rất lớn", Tổng giám đốc Citibank Việt Nam - Brett Krause nói. "Vấn đề sở hữu chéo, con số nợ xấu của ngành ngân hàng rất khó biết. Nhà đầu tư không thể bỏ tiền đầu tư ngân hàng nhưng lại không biết chủ sở hữu là ai. Còn nợ xấu thì nhiều con số được công bố, rốt cục không biết số nào là chính xác. Hoạt động thực tế của ngân hàng ra sao thì báo cáo tài chính cũng không thể hiện cụ thể".
Brett nói vấn đề lớn là người dân Việt Nam đang không tin vào ngành ngân hàng. Mặc dù ở Việt Nam có nhiều ngân hàng và con số này gấp 3 Thái Lan và gấp 2 Philipines, nhưng chỉ ¼ dân số có tài khoản ngân hàng. Đó là điều khó cho cơ quan quản lý để thực thi chính sách tiền tệ. Nhiều nguồn tiền ngoài ngân hàng không được quản lý. Và có lẽ việc chỉ giữ lại những ngân hàng mạnh sẽ mang lòng tin cho dân chúng.
Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, nói: "Thật khó chấp nhận việc một ngân hàng phá sản vì nợ xấu. Để thay đổ nợ xấu cần thay đổi tư duy". Ông cho rằng các thông lệ quốc tế trong quản lý với ngành ngân hàng là cần thiết với Việt Nam và IMF đang thực hiện một chương trình để chuẩn đoán chung cho ngành ngân hàng Việt Nam. Ông nói: "Chương trình sẽ kết thúc trong 6-7 tháng tới. Chúng tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị rằng Ngân hàng Nhà nước phải làm gì để lành mạnh hóa ngành ngân hàng. Bởi việc muốn giải quyết các vấn đề của Việt Nam thì các con số phải rõ ràng, minh bạch, nếu cứ đếm cua trong lỗ thì các chuyên gia dù giỏi đến mấy cũng không đưa ra được các giải pháp phù hợp".
Sanjay cũng cho rằng, nợ xấu cần đặt trong bức tranh lớn hơn. Nếu cần, bắt buộc phải chuyển nợ xấu qua công ty quản lý tài sản, nhưng ngân hàng cần dũng cảm xác nhận mình thua. Đó là sự đau đớn mà ngân hàng nhiều khi không đủ sức mà cần sự hỗ trợ.
Brett tiếp lời rằng, các quy định về quản lý phải được củng cố và việc thực hiện quy định cũng nên nghiêm túc hơn. Đồng thời, áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong báo cáo tài chính của các ngân hàng cần được coi trọng. "Thực ra không có vấn đề tốt nhất cho các bên và vấn đề xử lý nên có cách tiếp cận phù hợp với từng trường hợp. Văn hóa ứng xử với nợ xấu, như việc trích lập, nhìn tăng trưởng tín dụng thế nào, hành xử của người lãnh đạo ra sao sẽ có ý nghĩa hỗ trợ hay không cho nợ xấu", ông nói.
Các diễn giả cho rằng nới room cho nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng nội là một chìa khóa cho dòng vốn. "Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng nội thay vì giới hạn ở mức dưới 30% như hiện nay mới lập lại được vấn đề chủ quyền ra quyết định tại các ngân hàng. Việc tham gia nhiều hơn của nước ngoài vào ngân hàng Việt cũng sẽ giúp giải quyết việc sở hữu chéo khá phức tạp giữa các ngân hàng", ông Tô Hải đề xuất.
Vấn đề lớn thứ hai cản trở dòng vốn là các vấn đề luật pháp.
Hòn đá nổi bật cản trở sự chảy mạnh của dòng vốn nước ngoài là thủ tục pháp lý rườm rà, thiếu minh bạch, vấn đề trọng tài quốc tế còn trong giai đoạn sơ khai. Kể từ sau khi gia nhập WTO, rõ ràng cánh cửa đang mở ra nhưng còn rất chậm, và kết quả đạt được còn trái ngược.
"Mặc dù đã có nhiều cải cách pháp lý ở Việt Nam nhưng việc diễn giải và thực thi luật ở cấp độ địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Seck Yee Chung - Công ty Luật Baker & Mckenzie, nhận xét. "Luật chống rửa tiền gần đây là một tiến bộ nhưng khi bước vào thị trường ta mới thấy vẫn còn nhiều rào cản pháp lý. Các quy định về vay vốn các tổ chức nước ngoài từ 2004 nay không còn phù hợp và cũng không phù hợp với luật các Tổ chức tín dụng mới. Chúng tôi cần những văn bản pháp quy mang tính chất cụ thể giúp xử lý vấn đề về đời sống và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài như các sản phẩm chứng khoán hóa".
Các doanh nghiệp nói họ đang tìm các nguồn vốn bổ sung, và quan trọng nhất phải có nguồn tiền vào doanh nghiệp càng nhanh càng tốt. Đáp lại lời thỉnh cầu đó, ông Nguyễn Sơn nói rằng, các sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm như ETF (quỹ đầu tư tín thác), GDR (chứng chỉ lưu ký toàn cầu), quỹ hưu trí đang hình thành.
"Hiện một số tổ chức có nhu cầu phát hành chứng chỉ lưu ký, chứng chỉ nợ toàn cầu, chúng tôi đang xây dựng chính sách để hỗ trợ. Các khoản vay chuyển đổi cũng được xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước với hình thức trước vay nợ sau chuyển thành cổ phần. Chúng tôi đã và đang báo cáo Chính phủ đưa ra lộ trình cho khung pháp lý về đầu tư gián tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài hay tự do hóa tài khoản vốn, doanh nghiệp Việt Nam được sở hữu 100 vốn nước ngoài, hay cả việc cho phép nhà đầu tư thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam... để dòng vốn chảy liên thông hơn".
Ủy ban Chứng khoán cho biết dự định sẽ có đầy đủ chuẩn mực kế toán kiểm toán mới hướng theo thông lệ quốc tế vào cuối năm 2013, để làm nền tảng cho những báo cáo tài chính tiêu chuẩn quốc tế - rào cản lớn hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận vốn quốc tế.
"Về lộ trình hội nhập với thị trường vốn quốc tế, Chính phủ sẽ ưu tiên kết nối với thị trường tài chính trong ASEAN như Singapore, Thái Lan thông qua việc xúc tiến để sớm có thể niêm yết chéo cổ phiếu cũng như các hợp tác cụ thể về thị trường trái phiếu", theo lời Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM Lê Hải Trà.
"Con hổ Việt Nam đang là hổ phục chứ chưa nhảy hết sức của nó", một diễn giả nói sau khi nghe các ý kiến nhiều chiều".