Bất động sản đóng băng vì tiền sử dụng đất xác định theo giá thị trường. Ảnh: Đức Thanh |
Theo
các đại biểu, bất cập lớn nhất được quy định trong Nghị định 69 chính
là khái niệm “đóng tiền sử dụng đất theo sát giá thị trường”. Theo quy
định, giá đất tính thu tiền sử dụng đất là do UBND cấp tỉnh quy định;
trường hợp giá quy định chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất
thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh
căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường
để quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp. Tuy nhiên, các đại biểu cho
rằng, việc xác định được giá thị trường và “sát với giá thị trường” là
điều rất khó.
Chính những khái niệm không rõ ràng này đang gây khó khăn trong việc tính và đóng tiền sử dụng đất cho cơ quan thuế ở các doanh nghiệp địa ốc thời gian qua. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho rằng, việc đi tìm giá thị trường để tính tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp là ẩn số lớn. “Lô đất khi kẹt tiền và khi không kẹt tiền được bán với giá khác nhau, nên khó xác định giá thị trường. Ngay cả khung giá đất do UBND TP.HCM ban hành hàng năm cũng chưa thể gọi là giá thị trường”, ông Nghĩa nhận xét và cho rằng, lâu nay, các cơ quan chức năng tính giá thị trường thường căn cứ vào giá bán đầu ra của một dự án hoàn chỉnh. Nhưng cũng có trường hợp dự án chưa có hạ tầng, nằm sát bên mà cũng được tính theo giá tương tự để làm cơ sở là thiếu hợp lý.
Ông
Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành cho biết, Công ty đầu
tư dự án ở quận 12 với diện tích 10.000 m2. Trong số 10.000 m2 đất này,
theo quy định chỉ có 30% diện tích được sử dụng làm đất ở. “Tôi đền bù
cho dự án này 4 triệu đồng/m2, cộng với đầu tư hạ tầng điện, đường… thì
chi phí lên đến 17 triệu đồng/m2. Tôi kỳ vọng sẽ bán ra thị trường giá
20 triệu đồng/m2. Nhưng sau đó cơ quan thuế yêu cầu đóng tiền sử dụng
đất là 15 triệu đồng/m2, tính ra tổng chi phí gồm tiền đầu tư và thuế đã
lên đến 32 triệu đồng m2”, ông Đực nói và cho rằng, với cách tính này
thì doanh nghiệp lỗ nặng và chả còn ai dám làm.
Tương
tự, theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng,
phương pháp khấu trừ được quy định tại Nghị định 69 căn cứ vào phương
án đền bù được duyệt. Tuy nhiên, chỉ những dự án do các doanh nghiệp nhà
nước đầu tư mới có phương án đền bù được duyệt, còn các doanh nghiệp tư
nhân làm gì có phương án đền bù được duyệt để tính thuế. “Hơn 80% doanh
nghiệp đầu tư bất động sản không có phương án đền bù, nên không có căn
cứ để tính thuế. Doanh nghiệp chúng tôi đang đầu tư một dự án 40 ha ở
Nhà Bè, TP.HCM đã đền bù giải tỏa xong, hạ tầng cũng đã làm nhưng không
dám bán vì chưa biết cơ quan thuế tính thuế bao nhiêu. Lỡ xác định sớm
giá bán rồi cơ quan thuế lại đưa ra mức thuế cao hơn dự kiến của doanh
nghiệp thì doanh nghiệp chỉ có chết”, ông Nhân nói.
Cho rằng, “các quy định về đóng tiền sử dụng đất không sớm sửa đổi sẽ không dự án nào dám thực hiện vì không tính được đầu tư lỗ lãi thế nào”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra kiến nghị, Chính phủ và Bộ Tài chính nên xem xét phương án thu tiền sử dụng đất các dự án bất động sản trên cơ sở ấn định tỷ lệ phần trăm. Tỷ lệ này có thể là 10%, 15% hoặc 20% để tránh cơ chế xin – cho và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Như vậy, doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu bị lỗ sẽ cân nhắc không đầu tư.