Không ít ngân hàng đang đau đầu khi số dư huy động vốn hầu như đứng yên kể từ đầu năm đến nay.
Chuyển USD sang tiền đồng
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank, cho biết hai tháng nay, mức tăng huy động trong hệ thống Eximbank hầu như không đáng kể. Còn ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á (DongABank), cho hay: “Huy động không phải là dễ dàng. Huy động tháng 1 của DongABank có tăng nhưng mức tăng rất ít”.
Việc cân nhắc sao cho đồng vốn sinh sôi nhất được thể hiện rõ khi chọn lựa đồng tiền để gửi. Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc ACB cho biết, huy động vốn chỉ tăng rất nhẹ, song hai tháng nay có một lượng chuyển dịch rõ ràng từ USD sang tiền đồng và vàng ở ACB. “Nhất là gần đây, khi tỷ giá không biến động nhiều, sự chuyển dịch ngày càng rõ nét”, ông nói.
Ở Eximbank, ông Phước cũng cho biết bắt đầu từ cuối năm 2011 có một lượng dịch chuyển từ USD sang tiền đồng và vàng. Đến nay vẫn còn nhưng đang chậm lại. “Có thể họ đang cân nhắc trước thông điệp hạ lãi suất của ngân hàng Nhà nước”, ông đoán.
Lý do quan trọng nhất, theo các lãnh đạo ngân hàng, là tỷ giá USD/VND khá ổn định từ vài tháng nay đã khiến các doanh nghiệp và dân cư giảm dần dự trữ đồng ngoại tệ này. Một diễn biến khác là, ngân hàng Nhà nước cho biết đang mua vào một lượng rất lớn ngoại tệ để cân đối thị trường và giúp nâng cao dự trữ ngoại hối. Theo đó, nếu so với năm 2010 thì dự trữ ngoại hối 2011 đã tăng khoảng 50%, riêng hai tháng đầu năm nay đã tăng thêm khoảng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung thị trường có thêm một lượng lớn tiền đồng, khiến thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ nét. Từ nửa tháng nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng không còn sốt nóng, và việc vay mượn đòi hỏi phải có thế chấp trên thị trường này đã không còn phổ biến. Những yếu tố này khiến thanh khoản tiền đồng dịu đi.
Đổ tiền vào trái phiếu
Từ đầu tháng 3, Eximbank đã cho điều chỉnh giảm khoảng 0,15% biểu lãi suất tiết kiệm của mình.
Theo ông Phước, dựa vào các yếu tố tỷ giá ổn định thời gian qua, chỉ số lạm phát tháng 2 tăng nhưng là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây, NHNN hỗ trợ thanh khoản một số ngân hàng… lãi suất huy động cũng nên có điều chỉnh.
Tuy nhiên, mức giảm ở Eximbank cũng mới ở kỳ hạn dài, ít người gửi. Các kỳ hạn ngắn vẫn còn xấp xỉ 14% cộng thêm các chương trình khuyến mãi.
Theo ông Bùi Tấn Tài, hiện nay một số ngân hàng vẫn còn vượt trần lãi suất, có thể sẽ khiến cuộc cạnh tranh vốn của ngân hàng lại nóng lên.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, khi ngân hàng Nhà nước tăng thu mua ngoại tệ dự trữ, ngân hàng thương mại bán USD, ngân hàng Nhà nước chuyển lại tiền đồng. Lượng tiền bán USD thu về đi vào hệ thống lưu thông từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, chưa đi vào nền kinh tế nhiều. Theo ông, lý do là tăng trưởng tín dụng hiện nay hết sức khó khăn, trong đó một phần tín dụng dè dặt vì những món nợ xấu trước đây. Hơn nữa, với đồng vốn huy động khó khăn, lãi suất cho vay ra cũng cao, tìm được khách hàng tốt và an toàn không dễ trong hạn mức hạn chế từ 8 – 17% trong năm. “Tăng tín dụng cũng là tăng rủi ro”, ông nói.
Đó là lý do vì sao dư nợ cho vay tín dụng cuối năm qua và 1 – 2 tháng đầu năm của một số ngân hàng hầu như không tăng, thậm chí giảm. Cũng vì lượng tiền ứ đọng, không cho vay được nên các ngân hàng cũng đã đổ tiền vào trái phiếu chính phủ, khiến các đợt phát hành này luôn thành công kể từ đầu năm đến nay.