Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi yếu từ cuối quý 1-2013. Tuy nhiên, nếu không giải quyết được tình trạng đóng băng tín dụng theo hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ tiếp tục đóng băng.

Ông Nghĩa cho biết, kinh tế trong nước đang có điều kiện tốt hơn do kinh tế thế giới về cơ bản đã thoát khỏi khủng hoảng nhưng tốc độ hồi phục còn chậm. Theo dự báo của IMF thì GDP thế giới năm 2013 sẽ tăng 3,25%; 2014 tăng 4%, cao hơn mức tăng trưởng 3,2% của năm 2012. Đà phục hồi của các nước phát triển đã rõ ràng hơn, dẫn đầu là Mỹ, Đức và Nhật Bản. Nguy cơ tan rã của khu vực đồng euro và “vách đá tài khóa” của Mỹ đã được khắc phục. Các nền kinh tế mới nổi vẫn duy trì được đà tăng trưởng và dự báo sẽ tăng cao hơn trong năm 2013 và 2014. Các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, thúc đẩy việc làm, tăng trưởng gắn với chính sách nới lỏng tiền tệ và làn sóng phá giá đồng bản tệ nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư.


Thị trường BĐS Việt Nam cần nhiều biện pháp để tránh rơi ngược về tình trạng đóng băng

Trong nước, lạm phát tiếp tục giảm trong tháng 4-2013, dự báo cả năm chỉ ở mức 6 - 7%. Chỉ số quản trị mua hàng PMC tăng từ 48 điểm lên 50 điểm trong tháng 3-2013 và gần 51 điểm trong tháng 4-2013. Đây là chỉ số chứng tỏ khu vực công nghiệp và xây dựng đang phục hồi từ đáy. Xuất khẩu tăng khá, xấp xỉ 17%, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa tăng 7% từ mức tăng trưởng âm trước đó. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tăng. Từ đầu năm 2013 đến nay, giải ngân FDI tăng 4% và vốn FDI đăng ký mới, đăng ký thêm tăng 17%, đạt 8,22 tỷ USD. Tín dụng tính đến cuối tháng 4-2013 đã tăng trưởng khoảng 2%, mức tăng này tuy rất thấp nhưng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nghĩa cũng nhìn nhận, rủi ro của tăng trưởng và việc làm năm 2013 vẫn còn đó. Nếu không giải quyết được tình trạng đóng băng tín dụng theo hướng kích cầu đầu tư và tiêu dùng thì tốc độ phục hồi sẽ chậm lại, thị trường BĐS tiếp tục đóng băng. Việc xử lý nợ xấu và cơ chế bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng là một trong những khâu then chốt. Xử lý nợ xấu nếu chậm thì cái giá phải trả cho ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ rất khó lường. Việc giảm lãi suất phải đồng bộ với các biện pháp kích cầu khác, một mình lãi suất không thể xử lý được vấn đề của tổng cầu nền kinh tế khi mà nút thắt tín dụng, phần lớn không phải do lãi suất mà là do thị trường. Riêng về thị trường BĐS, vị chuyên gia này dự báo phân khúc thị trường BĐS phổ thông có thể có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm và giải pháp lấy lại đà tăng trưởng là phải giảm lãi suất gắn liền với xử lý nợ xấu.

Ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) - cũng kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng của thị trường BĐS bằng cách kiến nghị Chính phủ khuyến khích các ngân hàng thương mại cùng tham gia chuỗi liên kết giữa khách hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, ngân hàng bảo trợ vốn cho người bán và ngân hàng cấp vốn cho người mua... xuất phát từ gói tài chính 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà với trọng tâm là khách hàng. Xây dựng và sớm thí điểm các công cụ tài chính để phát triển nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường như các công ty cho vay thế chấp, ngân hàng tiết kiệm cho vay nhà ở. Đồng thời sớm đưa Công ty xử lý nợ xấu VAMC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hoạt động, hỗ trợ các khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp liên quan đang có nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.

Được biết, hiện nay cả nước có khoảng 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng với hơn 90.100ha.

Quang Hà (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.