07/02/2020 9:08 AM
Với giá từ 80 - 100 triệu đồng/công (1.000 m2), một số hộ dân ở Đồng Tháp sẵn sàng 'hạ' ruộng thành ảo, xẻ thịt lớp đất mặt ở ruộng nhà để bán.

Các xe múc dùng để khai thác đất mặt ruộng trái phép bị tạm giữ tại huyện Tam Nông. Ảnh: Trần Ngọc

'Họ múc đất lở cả bờ bao ruộng lúa'

Đến xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, chúng tôi thấy rất nhiều thửa ruộng bị đào lớp đất mặt tạo thành những ao sâu 4 - 5 m nằm xen giữa những ruộng lúa đang trổ bông.

Một nông dân có đất ở ô bao số 19, xã Phú Hiệp, cho biết: “Mấy tháng trước tết, mỗi ngày 5, 7 chiếc xe múc múc đất rồi cho lên xe tải chuyển xuống sà lan chuyển đi nơi khác như đại công trường. Họ múc đất lở cả bờ bao ruộng lúa của chúng tôi nên ai cũng bức xúc lắm”.

Lo sợ các thửa ruộng của gia đình sẽ bị bao bọc bởi các ao cá gây ảnh hưởng đến sản xuất, tháng 11.2019 tập thể 27 hộ dân ở ấp K12, xã Phú Hiệp gửi đơn đến UBND huyện Tam Nông kêu cứu về tình trạng khai thác lớp đất mặt tại ô bao 19.

Đến cuối tháng 11.2019, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông ra quyết định xử phạt hành chính ông Lê Thủ Đức do có hành vi khai thác đất trái phép tại khu ô bao trên với số tiền 20 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khôi phục lại tình trạng như ban đầu. Thế nhưng, không lâu sau đó, tình trạng khai thác lớp đất mặt ruộng để bán đi nơi khác lại tiếp tục tiếp diễn tại xã Phú Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông), nói: “Từ xưa tới giờ Phú Hiệp không có tình trạng này, năm 2019 bắt đầu xuất hiện tại hộ ông Minh bán lớp đất mặt ở ô bao số 19. Địa phương đến kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, không cho đào đất thì những người khai thác ngưng, bỏ đi. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra về thì những người này lại khai thác tiếp nên xã phải kiến nghị UBND huyện xử lý".

Tại huyện Tam Nông, tình trạng xe múc, xe tải ngày đêm đào bới đất ruộng đem bán cho nơi khác diễn ra quy mô lớn tại xã Phú Cường.

Từ tháng 7.2019, một hộ dân ở xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã huy động 23 chiếc xe múc, 7 xe ben, 3 máy ủi, 2 xáng cạp đất để vào ô bao số 39 của xã để đào 20 ao nuôi cá tra, với diện tích hơn 45,3 ha, gây phản ứng cho nhiều người dân.

UBND huyện Tam Nông vào cuộc chỉ đạo các ngành liên quan của huyện kiểm tra vi phạm. Qua đó, UBND huyện Tam Nông xử phạt hộ dân này số tiền 80 triệu đồng, đồng thời buộc khôi phục lại lớp đất ruộng như ban đầu. Tuy nhiên đến nay cá nhân vi phạm chỉ nộp phạt mà không khôi phục lại hiện trạng mặt ruộng như trước.

Cách đại công trường khu ao cá 45,3 ha trên không xa là cánh đồng có diện tích gần 4 ha thuộc địa bàn ấp B, xã Phú Cường cũng bị biến thành khu ao cá sâu gần 5 m. Nguyên nhân là bị một số người từ nơi khác đến mua đất của người dân để khai thác lấy lớp đất mặt đem đi bán.

Giá cao nên sẵn sàng "hạ" ruộng thành ao

Theo ngành chức năng huyện Tam Nông, gần đây trên địa bàn xuất hiện tình trạng khai thác đất mặt trái phép là do nguồn đất ở các xã: Phú Hiệp, Phú Cường có lượng sét dồi dào để làm gạch xây dựng nên một số người trong và ngoài huyện Tam Nông tranh thủ đến thu mua lớp đất mặt để bán lại cho các lò gạch. Giá đất ruộng ở địa phương bình thường chỉ khoảng 50 triệu đồng/công (1.000 m2) nhưng những người này đến mua của các chủ đất với giá từ 80 - 100 triệu đồng/công. Chủ đất được trả lại ao cá hình thành sau lấy lớp đất mặt đi bán, cộng với việc giá bán cao khiến nhiều hộ dân ở địa phương sẳn sàng “hạ" ruộng thành ao.

Các xe tự chế để vận chuyển đất mặt trái phép đang bị UBND huyện Tam Nông tạm giữ tại xã Phú Hiệp. Ảnh: Trần Ngọc

Để ngăn chặn tình trạng khai thác lớp đất mặt trái phép ở địa phương, đầu tháng 1.2020, phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tam Nông phối hợp Công an huyện kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 12 xe múc, 6 xe tải, tự chế của những người đào múc, vận chuyển đất ruộng trái phép ở 2 xã Phú Hiệp và Phú Cường để xử lý.

Tại Đồng Tháp, tình trạng đào lớp đất mặt để vận chuyển đi nơi khác bán làm gạch hoặc đào ao nuôi cá tra trái phép cũng xuất hiện nhiều tại các huyện Tân Hồng và Hồng Ngự. Chỉ riêng tại huyện Hồng Ngự, trong năm 2019, ngành chức năng huyện đã tiến hành lập biên bản, xử lý hành chính 85 trường hợp đào đất ruộng để làm ao nuôi cá trái phép, với tổng diện tích sai phạm 39 ha.

Trần Ngọc (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.