Sau một thời gian bán đất cho bà Tuyến, ông Hóa quay lại chiếm đất, sử dụng bất hợp pháp. Vụ việc đã được bà Tuyết trình báo các cơ quan chức năng, sau đó Cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Nai xác định có dấu hiệu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng ra quyết định không khởi tố vì cho rằng… “hết thời hiệu”?

Gửi đơn từ xã đến tỉnh nhưng không được giải quyết?

Theo phản ánh của bà Mạc Thị Tuyết (ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) cho biết, vào ngày 22/11/1993, vợ chồng bà Mạc Thị Tuyết và ông Trần Văn Tý có mua của ông Lê Thanh Hóa khu đất có diện tích chiều ngang 15m, chiều dài 50m thuộc thửa đất 17,18, 21, tờ bản đồ 67, tọa lạc tại ấp 5, khóm 1 xã Hòa Hưng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nay là số nhà 468 tổ 24 khu phố 3, phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) với giá 14 chỉ vàng (9,5 tuổi). Giao dịch có xác nhận của UBND xã Hòa Hưng.

Đơn phản ánh của bà Mạc Thị Tuyết.

Đến tháng 3/1994, chồng bà Tuyết là ông Trần Văn Tý lâm bệnh nặng mất, bà Tuyết buồn xuất gia đi tu nên không trực tiếp quản lý phần đất nói trên.

Mặc dù đã bán khu đất cho gia đình bà Tuyết nhưng đến khoảng tháng 5/1994, ông Lê Thanh Hoá đập phá toàn bộ 11 trụ cọc bê tông cột mốc ranh giới, tự ý đào ao, trồng cây trên phần đất mà không được sự đồng ý của bà Tuyết.

Phát hiện sự việc, bà Tuyết đã gặp ông Hóa để trao đổi nhưng ông Hóa vẫn ngang ngược không trả đất. Thương lượng bất thành với ông Hóa, bà Tuyết đã báo sự việc tới UBND xã Hòa Hưng, nhưng không được UBND xã Hòa Hưng giải quyết.

Tiếp đó, ngày 26/5/1994, bà Tuyết làm đơn gửi Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng và Công an xã Hòa Hưng nhưng cũng không được giải quyết.

Sau một thời gian dài không được UBND xã Hòa Hưng giải quyết vụ việc, đến ngày 9/3/1997, bà Tuyết tiếp tục làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Ngày 13/3/1997, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản số 361D/UTB chuyển đơn của bà Tuyết yêu cầu chính quyền cơ sở giải quyết, nhưng sự việc vẫn không có chuyển biến.

Xác định có dấu hiệu tội “lừa đảo…” nhưng không khởi tố

Sau đó, đến tháng 6/2013, bà Mạc Thị Tuyết tiếp tục làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Lê Thanh Hóa đã có hành vi hủy hoại và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, số tiền 01 lô đất trị giá 1,7 tỷ đồng.

Hồ sơ vụ việc cho thấy, việc mua bán sang nhượng đất giữa ông Lê Thanh Hóa với ông Trần Văn Tý chồng của bà Mạc Thị Tuyết vào ngày 22/11/1993 là có căn cứ. Do đó, bà Mạc Thị Tuyết (vợ ông Tý) đứng đơn tố cáo bị ông Hóa chiếm đoạt tài sản là đúng pháp luật.

Kết quả “Xác minh đơn tố giác tội phạm” gửi bà Tuyết bằng văn bản số 228/BC – PC45 ngày 09/05/2014 của cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Nai.

Đến ngày 9/5/2014, có kết quả “Xác minh đơn tố giác tội phạm” gửi bà Tuyết bằng văn bản số 228/BC – PC45 ngày 09/05/2014.

Tại văn bản này, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc ông Hóa đưa ra tờ giấy viết tay đề ngày 16/5/1995 cho rằng, ông Trần Văn Dũng là em ruột của ông Tý bán lô đất nói trên cho ông Hóa với giá 12 chỉ vàng 9.5 tuổi và ông Dũng đã ký tên vào tờ giấy sang nhượng đất là không có cơ sở vì bản thân ông Dũng không phải là chủ sở hữu lô đất nói trên. Riêng ông Trần Văn Dũng cũng khẳng định, ông không hề ký tên bán đất cho ông Lê Thanh Hóa.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định, ông Lê Thanh Hóa lợi dụng việc ông Tý chết, bà Tuyết đi tu, không hiểu biết pháp luật, muốn chiếm đoạt tài sản của bà Tuyết.

Lợi dụng mối quan hệ của ông Dũng là em ông Tý nên tự động viết giấy mua đất rồi giả chữ ký của ông Dũng để chiếm đoạt tài sản của bà Tuyết, sau đó lừa đảo bán đất cho vợ chồng ông Đặng bà Lượm.

Khu đất đang tranh chấp.

“Hành vi trên của ông Lê Thanh Hóa có dấu hiệu của tội và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ khoản 2, điểm C, khoản 3 điều 23 Bộ luật hình sự, vụ việc trên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hinh sự”, văn bản số 228/BC – PC45 khẳng định.

Đến ngày 15/05/2014, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 291/QĐ-PC45, cho rằng nội dung đơn của bà Mạc Thị Tuyết tố cáo ông Lê Thanh Hóa đã hết thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ án cũng đã được tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa thụ lý nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được ra xét xử.

Thẩm phán Lê Thị Ký, người thụ lý giải quyết vụ án cho biết nguyên nhân chậm trễ là do đương sự ở xa và khó khăn trong quá trình đo đạc, do đương sự chỉ ranh giới không chính xác.

Cần đánh giá tài sản để xác định thời hiệu

Luật gia Đặng Văn Sỹ cho rằng, theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm. Trong khi khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chung thân thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, CQĐT cần xác định xem giá trị tài sản bị lừa đảo là bao nhiêu để xác định thời hiệu.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, sau khi nhận đơn nếu nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thì cơ quan đã tiếp nhận phải kịp thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trong trường hợp cần thiết, phải báo ngay để cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Nguyên Pháp - Xuân Thủy (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.