Đồng euro giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 12 năm so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 16/3, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khởi động chương trình mua trái phiếu khổng lồ, và nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp trong tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên giao dịch sáng 16/3 tại Tokyo, có thời điểm, đồng euro được giao dịch ở mức 1,0451 USD/euro, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2003, so với mức 1,0489 USD tại New York cuối tuần trước, trước khi phục hồi lên 1,0543 USD trong phiên chiều 16/3.

Cũng trong phiên chiều 16/3 tại Tokyo, đồng tiền chung châu Âu tăng từ 127,38 yen/euro tại Mỹ phiên trước lên 127,77 yen/euro. Trong khi đó, đồng USD giảm từ 121,44 yen/USD xuống 121,22 yen/USD.

Sự chú ý của thị trường đang hướng vào cuộc họp trong tuần này của Fed. Điều các nhà đầu tư đang quan tâm là Fed có bỏ từ "kiên nhẫn" trong định hướng tăng lãi suất tại thông báo sau cuộc họp hay không.

Việc lựa chọn từ ngữ của Fed được cho là "chìa khóa" để dự đoán khi nào lãi suất sẽ được nâng lên và thời điểm đang được nhiều người nhận định là tháng Sáu tới.

Xu hướng lên giá của đồng USD trước các đồng tiền khác diễn ra khi Fed cân nhắc việc thắt chặt chính sách tiền tệ, trong lúc các ngân hàng trung ương khác, trong đó có ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), thực hiện các biện pháp kích thích mạnh hơn trước.

Với việc ECB triển khai chương trình mua trái phiếu từ tuần trước và Fed được cho là sẽ sớm nâng lãi suất, các nhà phân tích cho rằng đồng bạc xanh sẽ ngang giá với đồng euro trong năm nay, sau lần gần đây nhất là năm 2002.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ cuộc họp kết thúc vào ngày 17/3 của BoJ, mặc dù có nhận định rằng ngân hàng này sẽ chưa thông báo các biện pháp kích thích mới.

Trong phiên giao dịch cùng ngày, đồng USD lên giá so với đồng TWD của Đài Loan, đồng baht Thái Lan, đồng won Hàn Quốc, đồng peso Philippines, đồng SGD của Singapore, đồng rupiah Indonesia và đồng rupee Ấn Độ./.

Lê Minh (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.