18/04/2011 3:29 AM
Những ngày này, tràn ngập trên các mặt báo là nhận định của các chuyên gia về đầu tư bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn, nơi cất trữ đồng vốn hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát, các hoạt động kinh doanh vàng và USD đang bị thu hẹp dần.

Tuy nhiên, không phải lúc nào đầu tư vào bất động sản cũng ngon xơi, nhất là ở thời điểm thị trường liên tục bị nhiễu thông tin với nhiều chiêu thổi, kích giá của giới đầu cơ và nguồn vốn vay đầu tư bất động sản đang bị siết chặt…

Nhà đầu tư tham khảo thông tin quy hoạch huyện Đông Anh, Hà Nội.

Mất ngủ vì… “lướt cọc”

Đang nửa đêm khuya, chị N.T.V bị người bạn thân gọi điện thoại dựng dậy vì có thông tin một dự án căn hộ chung cư khu vực Hoàng Quốc Việt kéo dài sẽ được mở bán vào ngày hôm sau. “Dự án của chủ đầu tư có uy tín, giá rất tốt, chưa đến 20 triệu đồng/m2 và chỉ cần đặt cọc 50 triệu là mình có thể lướt được ngay, không cần “xuống tiền” cô bạn nói với chị V. như thế. Nhà đang có sẵn hơn 100 triệu đồng, chị N.T.V đồng ý ngày mai sẽ cùng bạn đến sàn BĐS - đơn vị phân phối dự án - để đặt cọc mua 2 căn.

Được tư vấn nhiệt tình và chọn lựa, cân nhắc mãi cuối cùng 2 chị cũng quyết được 2 căn, mỗi căn diện tích hơn 110m2. Ngay lúc ấy, nhân viên sàn giao dịch BĐS đã đưa cho các chị một bản thông báo về tiến độ nộp tiền: Đồng ý ký hợp đồng thì đặt cọc 50 triệu đồng/căn; sau 30 ngày nộp 40% tổng giá trị hợp đồng; các lần tiếp theo tuỳ theo tiến độ sẽ nộp 15% giá trị hợp đồng. 10% cuối cùng sẽ được nộp vào thời điểm chủ đầu tư bàn giao nhà vào cuối năm 2013. Và điểm quan trọng là: Nếu sau 30 ngày mà không nộp đúng tiến độ 40% giá trị hợp đồng thì thoả thuận này sẽ bị huỷ bỏ, bị mất tiền đặt cọc.

Giá đất xã Đông Hội, huyện Đông Anh đang tăng nhanh sau khi có thông tin cầu Đông Hội dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ảnh: Hoàng Ánh

Đặt cọc xong mới đọc kỹ thông báo tiến độ nộp tiền, chị V. thấy hơi run, nhưng được người bạn kịp thời trấn an: “Lo gì, đây là dự án tốt, mình cũng chả đợi đến lúc đấy, chả lẽ trong vòng 1 tháng lại không đẩy được? Lúc đấy giá lại chả chênh thêm được 1-2 triệu đồng/m2 (!?)...”. Chị V yên tâm ra về. Nhưng trong suốt cả tháng trời, chị và chị bạn chạy ngược xuôi, mời chào khắp nơi mới thấy việc bán hàng không dễ ngon xơi.

Nguyên nhân vì chủ đầu tư đang tung ra bán một lượng hàng “khủng”, người có nhu cầu thật thì sẽ tìm đến tận gốc để mua, còn những người có ý định đầu cơ, đọc bản thông báo tiến độ nộp tiền thì rụt lại. “Giá mà chủ đầu tư áp dụng chiêu thông báo tới đây sẽ điều chỉnh tăng theo giá mới như cách một số dự án đang làm thì còn có cơ may bán được”, cô bạn méo mặt vớt vát.

Có thể về lâu dài, các căn hộ của chị V. sẽ sinh lời, nhưng trước mắt cả 2 chị đang mất ăn, mất ngủ vì không biết sẽ tìm khoản tiền gần 2 tỉ đồng để nộp vào Cty khi còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến hạn nếu không muốn mất cọc.

“Móm” vì đầu tư đón đầu?

Theo tin từ Hội kiến trúc sư Việt Nam, cuối tháng 6.2011, đơn vị này sẽ chọn ra thiết kế khả thi nhất cho Khu đô thị đại học Phố Hiến - Hưng Yên trên tổng diện tích 1.000ha, thuộc địa bàn của 6 phường, xã: Hiến Nam, An Tảo, Trung Nghĩa, Liên Phương, Thủ Sỹ, An Viên của TP này. Tuy nhiên, khi việc di dời các trường đại học ra ngoại thành còn đang được bàn cãi thì giới đầu tư BĐS từ khắp nơi đã đổ về TP.Hưng Yên với hi vọng mua được đất trong quy hoạch giá thấp ngồi chờ hốt bạc.

Những ngày này, đến Hưng Yên, chỗ nào cũng xôn xao chuyện mua bán đất. Giá đất liên tục được đẩy lên, tăng 20-30%, thậm chí tại các xã Liên Phương, Trung Nghĩa..., giá đất bị đẩy tăng gấp 2 lần năm 2010. Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, đây là cơn sốt bất thường vì nhu cầu thực sự không có, giá tăng là do giới đầu cơ tự “làm giá” với nhau. Để đẩy “cơn sốt” lên cao, họ đã sử dụng chiêu “găm” đất, tung tin đồn. Hậu quả là người thực sự có nhu cầu thì không mua nổi do giá quá cao, trong khi đất thì vẫn bỏ hoang. NĐT nên cẩn thận với giá đất ảo, bởi nguy cơ rủi ro cho việc đầu tư đất giá cao là nhãn tiền, trong khi tính thanh khoản thấp.

Nhà đầu tư tham khảo thông tin quy hoạch của huyện Đông Anh. Ảnh: Hoàng Ánh

Có lẽ câu chuyện cách đây hơn 1 năm, hướng đường dẫn cầu Nhật Tân thay đổi, khiến khá nhiều người trót ôm đất quanh khu vực này đang tìm cách “đẩy” đi với giá rẻ cũng không thành, hay chuyện đổ xô đi mua đất tận chân núi Tản - Ba Vì của năm ngoái, đẩy giá đất núi, đất ruộng lên tới gần chục triệu đồng/m2 vẫn là câu chuyện thời sự những ngày này. Theo GS. Đặng Hùng Võ, hiện thị trường BĐS Hà Nội đang tiếp tục bị thao túng vì các tin đồn các chiêu thổi giá mà do thiếu thông tin, người dân tiếp tục là nạn nhân.

Thông tin mới nhất từ người đứng đầu Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết, trước đây trường có dự án do ADB (NH Phát triển Châu Á) cấp kinh phí cho thực hiện mở rộng trường và dự án này được phê duyệt ở huyện Chương Mỹ, Hà Tây cũ.

Hiện phương án này vẫn chưa bị hủy bỏ nhưng chi phí cho đền bù hỗ trợ việc GPMB quá lớn do Chương Mỹ sáp nhập vào Hà Nội, nên trường đã xin phép Bộ GD-ĐT cho phép được xây dựng phân hiệu 2 của nhà trường vào khu ĐH Phố Hiến –Hưng Yên. Với thông tin này, chắc chắn những ai đã chót găm đất Chương Mỹ với giá cao nhằm đón đầu sóng “Thuỷ lợi” chắc chắn phải giật mình vì tiền tỉ đành đắp chiếu! tag: dat dong anh - ha noi, sot dat

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.