12/12/2014 8:06 AM
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, hiện còn tới 590 ha chưa xác định được chủ đất. Trong phần diện tích này “chắc là có hiện tượng đầu cơ”.

Chiều 11-12, đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu thực trạng quản lý, sử dụng 5.000 ha đất dự kiến dùng để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Tỉnh Đồng Nai cũng báo cáo các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân có đất bị thu hồi.

Có hiện tượng đầu cơ đất hay không? Có xác định được tổ chức, cá nhân nào mua đất chờ bồi thường không? Đó là những câu hỏi được đoàn đặt ra với tỉnh Đồng Nai. Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trả lời: Trong 1.800 ha đất của lâm trường cao su, chắc chắn không có tổ chức, cá nhân nào mua được. Riêng số đất trong dân thì hiện vẫn còn 590 ha đất chưa xác định được chủ. Trong phần diện tích này chắc là có hiện tượng đầu cơ đất. Tuy nhiên, đây là chuyện bình thường bởi ở tất cả dự án lớn khác đều xảy ra hiện tượng đầu cơ đất đón dự án.

Do vướng quy hoạch sân bay Long Thành, xã Suối Trầu (huyện Long Thành) hầu như không được đầu tư hạ tầng. Hầu hết con đường đều mưa lầy, nắng bụi. Ảnh: M.QUÝ

“UBND tỉnh Đồng Nai đã nhận được thông tin về hiện tượng đầu cơ đất. Nhưng vấn đề này không đáng lo ngại bởi việc bồi thường, giải tỏa được thực hiện theo luật” - ông Thái nói.

Về chi phí bồi thường, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, tính toán: Ước tính chi phí để bồi thường 5.000 ha đất vào khoảng 18.500 tỉ đồng, tới khi triển khai thực tế thì con số này có thể lên tới hơn 20.000 tỉ đồng, tức 1 tỉ USD. Như vậy để có được 1 ha đất nông nghiệp ở khu vực dự kiến xây dựng sân bay Long Thành Nhà nước phải chi tới 200.000 USD!

“Cần tính toán xem nên xây dựng dự án sân bay có quy mô 5.000 ha hay quy mô 300 ha sẽ có lợi cho Nhà nước hơn. Bởi sân bay ở Singapore chỉ có quy mô 1.500 ha nhưng công suất đạt được là 73 triệu khách/năm. Vì vậy nên xây dựng sân bay Long Thành có quy mô phù hợp” - ông Lịch nêu vấn đề.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng lo ngại vấn đề ổn định cuộc sống cho những người dân bị giải tỏa phải vào khu tái định cư. “Khó khăn lớn nhất hiện giờ là việc bồi thường tái định cư cho người dân nằm trong dự án. Do vậy, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề bồi thường, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành” - ông Thái thừa nhận.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trưởng đoàn công tác, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai nhanh chóng điều tra nguồn gốc của 590 ha chưa tìm được chủ. Bên cạnh đó phải có biện pháp giải quyết 25 trường hợp chưa đồng ý di dời để không ảnh hưởng tới công tác giải phóng mặt bằng sau này.

Do quy hoạch dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành "treo" nhiều năm nên hàng chục ngàn người dân trong khu vực không thể phát triển kinh tế, không được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê, xã Suối Trầu, huyện Long Thành có 1.488 ha đất với 1.800 hộ nằm trong quy hoạch. Tất cả hộ dân trên địa bàn xã đều sản xuất nông nghiêp (trồng điều, cao su, cà phê). Dù những cây này đã được trồng hơn 20 năm nay, năng suất rất thấp nhưng họ không dám chuyển đổi bởi sợ giá bồi thường sẽ ít hơn.

Đáng nói là từ khi có quy hoạch dự án, gần như tất cả khoản đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã đều bị dừng lại. Trên địa bàn xã hiện chỉ có duy nhất con đường từ trung tâm huyện về đến UBND xã là được tráng nhựa. Nhiều tuyến đường còn lại là đường đất, mỗi khi trời mưa thì lầy lội, còn trời nắng thì bụi bay mịt mù.

Tiến Dũng (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.