02/02/2024 7:08 PM
Sự khó khăn của ngành bất động sản và xây dựng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như châu Âu và Mỹ trong năm 2023 đã kéo lợi nhuận của Vicostone rơi khỏi mốc nghìn tỷ, xuống còn 846 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2023 của CTCP Vicostone (mã chứng khoán VCS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenika, nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo này đã ghi nhận gần 1.154 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý cuối năm ngoái.

Dù tăng 12% so với quý 3 trước đó, nhưng so với cùng kỳ năm 2022, kết quả doanh thu này của Vicostone vẫn giảm 6%.

Trong kỳ, nhờ việc tiết giảm mạnh các chi phí phát sinh trong kỳ vừa qua với chi phí tài chính giảm 40%, chi phí bán hàng giảm 34% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 30%, Vicostone vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế hơn 281 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quý cuối năm ngoái của nhà sản xuất đá này cũng tăng khoảng 14, đạt 237 tỷ đồng.

Thị trường xuất khẩu gặp khó, lợi nhuận của Vicostone về mức thấp nhất 7 năm

Theo giải trình của Vicostone, trong quý 4 vừa qua, ngành bất động sản và xây dựng tại Mỹ, châu Âu - thị trường chính của công ty đều chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố lãi suất, lạm phát, giá cả vật liệu ở mức cao.

Bên cạnh đó, dưới tác động của suy giảm kinh tế, hệ thống nhà phân phối tại các thị trường của công ty này buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch tài chính, bán hàng, tồn kho, dẫn tới việc giảm số lượng đơn hàng với Vicostone.

Lũy kế cả năm 2023, Vicostone ghi nhận 4.354 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 846 tỷ, giảm lần lượt 23% và 26% so với năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay của nhà sản xuất đá thạch anh này.

Theo đánh giá của Vicostone, 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn của kinh tế thế giới khi liên tiếp phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng, bất ổn địa chính trị.

Là doanh nghiệp kinh doanh quốc tế với thị trường xuất khẩu trên 50 quốc gia tại 5 châu lục, Vicostone cho biết doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các dòng sản phẩm giá rẻ trong ngành sản xuất đá thạch anh nhân tạo cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Vicostone trong năm vừa qua.

Thực tế, tại các thị trường lớn trên thế giới, nguồn cung các sản phẩm đá nhân tạo đang gia tăng vượt quá mức tăng trưởng của nhu cầu, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các nhà sản xuất đá thạch anh.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Vicostone đạt 6.468 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất (41%) là hàng tồn kho với hơn 2.644 tỷ đồng, tăng gần 3%. Các khoản phải thu ngắn hạn trên 1.217 tỷ đồng, giảm 30%.

Các khoản tiền, tiền gửi ngân hàng hơn 1.450 tỷ đồng, tăng gần 32% so với đầu năm và chiếm 22% tổng tài sản.

Bên kia nguồn vốn, dư nợ đi vay tại ngày 31/12 ghi nhận hơn 1.100 tỷ, đa số là vay ngắn hạn từ ngân hàng. Năm ngoái, Vicostone đi vay 2.015 tỷ đồng và trả nợ gốc 2.350 tỷ đồng. Chi phí lãi vay năm 2023 gần 57 tỷ đồng.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.