Trong bối cảnh thị trường địa ốc gặp khủng hoảng, ngoài việc đại hạ giá, nhiều chủ đầu tư còn có những chiêu lạ để hấp dẫn người mua. Mới đây, Công ty Becamex đã đưa ra phương thức thanh toán chưa từng có tiền lệ khi chào bán dự án tổ hợp căn hộ cao cấp IJC Aroma tại TP Bình Dương. Theo đó, khách hàng sẽ được nhận nhà sau 2 năm, nhưng có thể thanh toán làm 96 đợt trong 8 năm. Mỗi căn hộ tại dự án có diện tích 70 - 150 m2, giá mỗi m2 dao động 22 - 25 triệu đồng.
Còn tại Hà Nội, Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải cũng giãn tiến độ đóng tiền tới 5 năm. Từ ngày 1/11, đơn vị này bắt đầu mở bán biệt thự Flamingo Villa 3 thuộc dự án Flamingo Đại Lải Resort. Các căn biệt thự có diện tích từ 300 m2 đến 600 m2 với mức giá từ 5 tỷ đồng trở lên và bàn giao vào năm 2012. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho khách hàng thanh toán thành 10 đợt, đóng trong 5 năm. Đây là điều hiếm thấy với các dự án bất động sản tại phía Bắc.
Đầu tháng 7 vừa qua, chương trình bán hàng của chủ đầu tư Flamingo Đại Lải Resort cũng đã gây sốc trên thị trường địa ốc. Cụ thể, với số tiền bỏ ra 4 - 6 tỷ đồng để cùng đầu tư biệt thự, khách hàng sẽ được nhận lợi nhuận với mức lãi suất lên đến 30% mỗi năm và được bảo lãnh bởi ngân hàng uy tín.
Giảm giá bán, giãn tiến độ được coi là những chiêu câu khách gây sốc của địa ốc thời khủng hoảng. Ảnh: Hoàng Lan.
Chủ đầu tư cho biết, sau khi nhận nhà vào năm 2012, nếu khách hàng không sử dụng biệt thự có thể tham gia chương trình “Ủy thác cho thuê biệt thự thời gian trống”. Theo đó, chủ sở hữu biệt thự mỗi năm sẽ được sử dụng biệt thự 45 ngày, thời gian còn lại sẽ ủy thác cho chủ đầu tư để kinh doanh hoặc cho thuê. Chủ biệt thự sẽ hưởng 70% và chủ đầu tư nhận 30% lợi nhuận từ việc kinh doanh đó.
Đại diện Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải chia sẻ, trong những đợt chào bán trước của dự án này, công ty chưa đưa ra giải pháp thanh toán linh hoạt như trên. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường bất động sản ảm đạm, nguồn cung tài chính từ ngân hàng hạn chế, doanh nghiệp quyết định kéo dài hơn thời gian thanh toán cho khách hàng. “Tuy nhiên, đối với những khách hàng ‘xuống’ tiền ngay thì chúng tôi cũng có những ưu đãi về nội thất, về việc sử dụng các dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng…”, đại diện này cho biết.
Trước đó, nhiều chủ đầu tư cũng đưa ra các giải pháp tài chính tương tự cho khách hàng. Chung cư Sky View (Khu đô thị mới Cầu Giấy - Hà Nội) do Công ty TNHH Phú Mỹ An làm chủ đầu tư cũng áp dụng hình thức thanh toán chia làm 7 đợt.
Còn Công ty Địa ốc Dầu khí và Sài Gòn Mekong không chia nhỏ thời gian đóng tiền mà đại hạ giá căn hộ 20-35%. Mua với giá 21,36 triệu đồng mỗi m2, PVL sẵn sàng chấp nhận lỗ 70 tỷ đồng để bán với giá 15,5 triệu đồng mỗi m2. Mặc dù chiêu tung hàng nhỏ giọt dưới hình thức bốc thăm, đấu giá 15 căn hộ của PVL khiến không ít khách hàng tiu nghỉu vì tiêu chí ngặt nghèo bởi phải đóng tiền 100%. Đây cũng là lý do khiến đơn vị này bị nghi "tung chiêu bán tháo" để PR cho việc bán hàng.
Công ty Sài Gòn Mekong cũng đại hạ giá 500 căn hộ dự
án An Tiến tại xã Phước Kiểng, Nhà Bè, TP HCM từ 18 triệu đồng mỗi m2
xuống còn 14,5 triệu đồng nhưng không đưa ra các điều kiện ngặt nghèo
như Địa ốc Dầu khí.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Khách hàng của Công ty quảng cáo NEO cho biết, trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng, doanh nghiệp phải đưa ra các chiến lược mới về để kích cầu. Các chiêu thức giảm giá bán, hoặc giãn tiến độ đóng tiền thành nhiều đợt thể hiện sự linh hoạt trong kinh doanh của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chuyên gia quảng cáo này cho rằng, việc giảm giá bán căn hộ cũng có thể gây ra hiệu ứng ngược, tạo tâm lý chờ đợi cho khách hàng. Thị trường bất động sản Việt Nam, bấy nay được coi là sân chơi của những nhà đầu tư, chưa phục vụ cho người có nhu cầu thực. Khi địa ốc giảm giá, những người có nhu cầu thực sẽ có tâm lý chờ thị trường giảm tiếp. "Khi khách hàng mất lòng tin, nhà kinh doanh sẽ lãnh đủ và bị hiệu ứng ngược 'gậy ông đập lưng ông' là điều rất dễ xảy ra", ông Quang Anh nói.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho hay, những chiêu thức kích cầu của doanh nghiệp địa ốc như hạ giá bán, giãn tiến độ đóng tiền... được coi là "ánh sáng cuối đường hầm" trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Những động thái đó, phần nào hâm nóng được cơn nguội lạnh của thị trường địa ốc.
Lãnh đạo Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, cách hạ giá công khai của chủ đầu tư ở khu vực phía Nam được xem là cách làm khôn ngoan. Trong bối cảnh áp lực tài chính vì nợ ngân hàng, doanh nghiệp đã mạnh dạn và chấp nhận cắt lỗ. Do văn hóa kinh doanh hai miền khác nhau, nên theo ông Cường đánh giá, địa ốc khu vực Hà Nội sẽ khó có đợt hạ giá mạnh như ở TP HCM. "Miền Bắc có tâm lý đắt bán tươi, rẻ để đấy, do đó, hiện tượng giảm giá có thể xảy ra nhưng sẽ không nhiều", ông Cường nói.