Trước áp lực chi phí sản xuất tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cắt giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thiết lập mặt bằng giá mới

Trước áp lực chi phí sản xuất tăng mạnh, một loạt doanh nghiệp xi măng tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán từ đầu tháng 5.2022. Đây là lần tăng giá thứ 2 từ đầu năm đến nay.

Dù xi măng đã thiết lập mặt bằng giá mới, nhưng do giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất liên tục tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải chịu áp lực lớn, khó giữ ổn định giá bán sản phẩm. Dự báo trong thời gian tới, giá mặt hàng này có thể tiếp tục tăng.

Xi măng thiết lập mặt bằng giá mới

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), trong năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng rất cao, trong đó có than, xăng dầu, thạch cao cũng như chi phí vận chuyển. Từ ngày 27.4 vừa qua, giá than thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất xi măng trong nước.

Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 35-40% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng. Gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu khiến giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than thị trường quốc tế.

Trước đây, giá than dao động trong khoảng 60-70 USD/tấn, nhưng trong quý 1.2022, giá bán mặt hàng này đã tăng lên hơn 220 USD/tấn và hiện tiếp tục tăng mạnh. Thêm vào đó, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh, nên dù các doanh nghiệp xi măng thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí vẫn không thể bù đắp phần chi phí đầu vào tăng mạnh.

Giá nguyên vật liệu tăng phi mã đang bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng, cực chẳng đã, họ phải tiếp tục tăng giá bán đề bù đắp lại chi phí sản xuất.

Sau Tập đoàn Xi măng The Vissai, khối các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam gồm Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn đã thông báo tăng giá bán từ đầu tháng 5 với mức tăng từ 50.000-95.000 đồng/tấn. Mới đây, có thêm nhiều doanh nghiệp xi măng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng này.

Cụ thể, từ ngày 10/5, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai tăng 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) đối với tất cả chủng loại xi măng bao, rời.

Ngày 12/5, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty CP Xi măng Tân Thắng và Xi măng Xuân Thành Quảng Nam cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng xi măng từ 60.000 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Từ ngày 15/5, Công ty CP Xi măng Sông Lam thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam cũng gửi thông báo đến các nhà phân phối và khách hàng về việc điều chỉnh giá bán tất cả các loại sản phẩm xi măng Sông Gianh, ADAMAX, SCG Super xi măng, SCG Super wall (bao và rời, jumbo, spelling) thêm 79.920 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 16/5.

Tương tự, từ ngày 19/5, Công ty TNHH Xi măng Luks Việt Nam thông báo tăng giá bán tất cả các chủng loại sản phẩm xi măng Kim Đỉnh dạng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Ngoài ra, cùng tăng giá bán trong đợt này còn có Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty CP TM và Đầu tư Đồng Lâm. Các doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh tăng giá bán các loại xi măng từ 55.000-75.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Theo VNCA, việc tăng giá bán là điều các doanh nghiệp xi măng không mong muốn, nhưng nếu không tăng giá bán thì các doanh nghiệp này sẽ thua lỗ, đóng cửa. Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất nhỏ, không chịu được áp lực chi phí đầu vào tăng cao, có thể tạm dừng sản xuất.

Nhận định về giá xi măng thời gian tới, VNCA dự báo với bối cảnh thế giới cũng như trong nước hiện nay, khả năng từ nay tới cuối năm, giá bán xi măng vẫn tiếp tục tăng để bù đắp chi phí, duy trì sản xuất.

Do đó, để hạn chế tối đa những rủi ro do giá đầu vào tăng cao, Hiệp hội Xi măng Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp xi măng cắt giảm chi phí không cần thiết, tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Cắt giảm chi phí, ổn định sản xuất

Chi phí sản xuất tăng cao buộc các doanh nghiệp xi măng phải đưa ra nhiều giải pháp nhằm cắt giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất, ổn định kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất, ổn định giá bán xi măng

Điển hình, Xi măng Vicem Hoàng Mai vừa hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt công đoạn lò nung clinker tại dây chuyền sản xuất. Kết quả cho thấy việc tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào giảm đi đáng kể.

Hoạt động đầu tư sửa chữa này đã giúp Xi măng Vicem Hoàng Mai tăng năng suất lò nung lên khoảng 300 tấn clinker/ngày so với trước cải tạo (tương đương 100.500 tấn clinker/năm), tăng 600 tấn clinker/ngày so với năng suất thiết kế (201.000 tấn clinker/năm). Ngoài ra, còn giúp giảm tiêu hao nhiệt cho sản xuất clinker khoảng 45 kcal/kg, giảm trên 2 kWh/tấn clinker. Sử dụng hiệu quả than có phẩm cấp thấp, đặc biệt trong thời điểm khó khăn về nguồn cung than hiện nay.

Với dự án này, hiệu quả tiết kiệm tài chính cho nhà máy sẽ đạt khoảng 50 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, việc thực hiện thành công chương trình cũng mang lại hiệu quả lớn về bảo vệ môi trường. Hệ thống lò nung sau cải tạo rất phù hợp cho việc sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế.

Ngoài ra, Vicem Hoàng Mai còn dự kiến thay thế từ 30-40% thạch cao tự nhiên đang sử dụng trong sản xuất xi măng bằng thạch cao nhân tạo hoặc thạch cao khan có giá cạnh tranh để tối ưu chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn tiếp tục tận dụng, tăng tỉ lệ pha tro, xỉ trong sản xuất xi măng ở mức tối đa cho phép.

Tương tự, Xi măng Vicem Bút Sơn cũng đạt được thành quả bước đầu trong việc sử dụng các chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã triển thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng.

Từ cuối năm 2021, Vicem Bút Sơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại. Đến nay, sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại.

Mới đây, Viện Vật liệu xây dựng và Công ty Thyssenkrupp đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu tận dụng rác thải thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất xi măng. Theo đó, để ngành xi măng trở nên sạch hơn, trong khi giá than ngày càng tăng cao, doanh nghiệp cần tăng sử dụng chính rác thải để sản xuất clinker, tiến hành thu hồi khí CO2 thải ra ngoài môi trường trong quá trình sản xuất.

Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, quan điểm phát triển ngành công nghiệp xi măng là tiết kiệm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất.

Chủ đề: Doanh nghiệp xi măng,
  • Xi măng trong nước tiếp tục tăng giá bán

    Xi măng trong nước tiếp tục tăng giá bán

    Để ổn định sản xuất, nhiều doanh nghiệp xi măng trong nước tiếp tục tăng giá bán xi măng bao và xi măng rời với mức tăng từ 50.000 - 95.000 đồng/tấn sản phẩm.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.