Có mối tương quan chặt chẽ với nhau, nên tình hình ảm đạm của ngành BĐS trong thời gian qua cũng khiến ngành xây dựng điêu đứng. Áp lực này đè nặng lên vai các doanh nghiệp xây dựng, khi thời gian tới thị trường chưa thấy nhiều tín hiệu khả quan.

Một năm “mất mùa”


2011 là năm doanh nghiệp ngành xây dựng phải vật lộn với suy thoái. Không chỉ các doanh nghiệp BĐS đứng trước áp lực phá sản bởi những chính sách ngặt nghèo về tiền tệ, các doanh nghiệp xây lắp, nhà thầu xây dựng cũng gặp vô vàn khó khăn.


Đánh giá của Viện Kinh tế Xây dựng cho thấy tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn cao, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước luôn không đủ khả năng dùng vốn chủ sở hữu của mình để thanh toán các khoản nợ.


Sự phụ thuộc vào các khoản vay đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thua lỗ vẫn còn tương đối lớn, nhất là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.


Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng còn thấp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh quốc tế, hầu như chưa có doanh nghiệp xây dựng nào vươn được ra thị trường xây dựng ở nước ngoài.


Mặt khác, theo báo cáo của Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, doanh nghiệp xây dựng vẫn chưa thể làm thầu chính các công trình quy mô lớn, công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp, nên hàng năm phải “nhường sân” cho trên 100 nhà thầu tư vấn và xây dựng nước ngoài.


Nhìn chung các nhà thầu nước ngoài đều mạnh hơn các nhà thầu trong nước về khả năng tài chính, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế, đã từng thực hiện nhiều công trình tương tự và lớn hơn so với các gói thầu đấu thầu quốc tế tại nước ta.


Thống kê cho thấy, nhà thầu nước ngoài được trao hợp đồng các gói thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) chiếm tới 33%; riêng các dự án nhiệt điện nhà thầu nước ngoài được trao 12/17 gói thầu, chiếm 59% tổng số gói thầu EPC về dự án nhiệt điện.


Đủ cách vượt khó


2011 là năm cực kỳ khó khăn, nhưng năm 2012 được dự báo còn khó khăn hơn. Điều này khiến các doanh nghiệp BĐS và doanh nghiệp xây dựng phải chuẩn bị thật kỹ, có kế hoạch dài hơi để tồn tại. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã triển khai những giải pháp vượt khó.


Doanh nghiệp xây dựng thất bát
Khó khăn vẫn chờ đợi doanh nghiệp ngành xây dựng trong năm 2012. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, riêng với doanh nghiệp BĐS, xu hướng xây nhà diện tích nhỏ, giá thành hợp lý, đảm bảo tiến độ sẽ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong năm tới.


Ông Nguyễn Văn Đực cũng cho rằng Bộ Xây dựng cần có những chính sách sát với thị trường để kịp thời gỡ rối cho doanh nghiệp BĐS và xây dựng. Trong khi đó, Viglacera tận dụng thế mạnh của mình ngay từ khi triển khai dự án.


“Chúng tôi đã nghiên cứu các giải pháp để giảm giá thành đầu tư xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình, công năng sử dụng, đảm bảo mỹ quan và tiện nghi của căn hộ. Mặt khác tận dụng tối đa thế mạnh của Tổng công ty Viglacera, sản xuất các bộ sản phẩm vật liệu đồng bộ để cung cấp trực tiếp từ nhà máy đến công trình, giảm chi phí trung gian tạo ra sản phẩm với giá thành rẻ nhất. Đồng thời, công ty tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng để giảm giá thành” - đại diện Viglacera cho biết.


Theo ông Đoàn Châu Phong, đại diện Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), công tác khảo sát, phân tích, đánh giá thị trường để nắm bắt nhu cầu của các nhóm khách hàng rất quan trọng. Bởi từ đó, chủ đầu tư có thể linh hoạt điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, khi thị trường ảm đạm, việc lựa chọn địa điểm triển khai dự án cũng đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành bại của dự án.


Đồng thời, doanh nghiệp phải kiểm soát được nguồn vốn của mình. Còn ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, cho rằng trong thời điểm khó khăn như hiện nay, nội lực của doanh nghiệp hết sức quan trọng, vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát huy nội lực của mình.


Đề cập tới khả năng trụ vững của doanh nghiệp ngành BĐS và xây dựng trong thời gian tới, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng yếu tố tiên quyết là doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh và trình độ quản trị. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tái cơ cấu tổ chức và sản phẩm, bảo đảm hàng hóa của mình phù hợp với nhu cầu của thị trường; điều chỉnh chiến lược kinh doanh; nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng công trình, tránh thất thoát lãng phí trong xây dựng.

Theo Hoài Trâm (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.