Giá thuê đất sản xuất tính theo giá thị trường BĐS?
Hơn 300 doanh nghiệp (DN) ở các ngành nghề sản xuất khác nhau tham dự tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tình hình thuê đất và các vấn đề liên quan đến thuế” do Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên&Môi trường và Phòng Công nghiệp &Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức đều cho rằng tinh thần của Nghị định số 121/CP (năm 2010) về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước là cần thiết.
Tuy nhiên, “yêu cầu giá tính tiền thuê được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường theo tỷ lệ phần trăm từ 1,5 đến 3% giá trị đất” đã khiến cho các doanh nghiệp không khỏi “sửng sốt” khi mức giá đất năm nay mà họ phải trả tăng gấp vài chục lần so với năm 2010.
Mức giá thuê đất sản xuất công nghiệp đang bị các DN kêu quá cao (Ảnh minh hoạ)
Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), năm 2011 giá tiền thuê đất đã tăng từ 1,5 đến 5 lần so với năm 2006, tỷ lệ phần trăm để xác định đơn giá đất trên địa bàn tỉnh năm nay cũng được điều chỉnh từ 0,5 lên 1,5% (tăng gấp 3 lần năm 2006). Như vậy chỉ trong vòng 5 năm chi phí thuê đất đã tăng từ 4,5 lần đến 15 lần.
Ông Tô Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty thiết bị Hồng An, thành phố Hải Phòng không khỏi “giật mình” về số tiền thuê đất mà DN phải nộp gấp đến 18 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vấn đề ông bức xúc lại ở sự phân biệt “đối xử” giữa doanh nghiệp “nội” và “ngoại”.
Ông Thạch dẫn chứng: “Cùng nằm trên trục đường dẫn, ngay sát vách nhau, phần mặt đường thậm chí còn dài gấp nhiều lần doanh nghiệp chúng tôi nhưng số tiền của công ty liên doanh Hàn Quốc LS chỉ phải nộp là 1,6 USD/1m2/1 năm trong vòng 50 năm, thì chúng tôi phải nộp số tiền thuê đất cao hơn 215% so với mức mà doanh nghiệp láng giềng phải nộp”.
“Bất bình và thắc mắc, DN đã gửi công văn đến Chi cục thuế Thành phố Hải Phòng thì nhận được câu trả lời: bắt buộc DN phải nộp, nộp chậm sẽ bị phạt, không nộp không được”, ông Thạch bày tỏ.
Cũng chịu mức giá thuê đất từ 17 triệu (2010) lên đến 442 triệu đồng trong năm nay, ông Trịnh Xuân Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Tiên Sơn (tỉnh Thanh Hoá) gọi đó sự tăng giá quá “nóng” trong bối cảnh hiện tại. Cũng theo ông Lâm, việc điều chỉnh giá sau năm năm hoàn toàn hợp lý nhưng vấn đề là điều chỉnh tăng như thế nào để không làm “khó” cho doanh nghiệp mới là việc đáng bàn.
Ông Lâm cho biết: “Trong khi DN vừa và nhỏ luôn chịu thiệt thòi về sự ưu đãi vốn, đất đai, thuế, thì thêm mức chi phí quá lớn về tiền thuê đất cũng khiến cho doanh thu của các DN vốn đã nhỏ lại càng eo hẹp hơn, nhiều DN phải tính đến chuyện phá sản”.
Đại diện Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương (Hải Dương) cho rằng: “Vấn đề điều chỉnh giá thuê đất là cần thiết không chỉ để giải quyết khó khăn về tài chính của nhà nước mà còn để giải quyết khó khăn trong việc đền bù cho nông dân khi bị thu hồi đất”.
Tuy nhiên, theo vị đại diện DN này, khi điều chỉnh việc xếp hạng đất và giá đất để tính tiền thuê phù hợp với giá thị trường, Bộ Tài chính cần lưu ý đến thực tế hiện nay giá đất ở nhiều địa phương khác nhau do chịu ảnh hưởng của việc đầu cơ nâng giá.
“Nếu nâng một lần lên gấp 10-15 lần thậm chí 20 lần thì ảnh hưởng nhiều đến giá thành trong khi DN đang phải cố gắng kiềm chế đà tăng giá do lạm phát”, vị đại diện này khuyến nghị.
“Cái ta ra chưa chắc đã đúng”
Lý giải cho việc nâng mức tính tỷ giá thuê đất tối thiểu lên 1,5%, ông Phạm Văn Thọ, Phó vụ trưởng Vụ kinh tế và phát triển quỹ đất, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng: “Nếu chúng ta không tăng thuế đất thì nguồn thu của nhà nước không có, do chi phí bồi thường về đất đai thời gian qua chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo chu kỳ thuê đất 50 năm nếu tính theo tỷ lệ cũ thì Nhà nước chỉ có thể thu về được 75% ngân sách, với các khu đất có thời gian thuê trên 50 năm thì mới có thể thu được 100% chi phí”
Cũng theo ông Thọ, cơ bản về giá đất và hệ số tính giá thuê là tương đối hợp lý, nhưng vấn đề là do trong thời gian qua nhiều diện tích đất đã được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất cho khu đô thị, rồi nhiều huyện thị xã, được nâng cấp lên thành phố hay đô thị loại một, loại hai nên giá đất tăng theo thị trường rất mạnh.
“Những bất cập kể trên đều do yếu tố khách quan đem lại”, ông Thọ khẳng định.
Thẳng thắn thừa nhận thời điểm triển khai Nghị định 121 là bất lợi khi các doanh nghiệp đang “chật vật”về vốn, ông Đỗ Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Tài chính khá đồng tình với các bức xúc của DN đã nêu ra trong Hội nghị.
Thứ trưởng cho biết: “Nhiều nội dung của Nghị định 121 chưa được quán triệt và và thực hiện đúng và đầy đủ; chưa phân biệt về vị trí về lợi thế thương mại, hình thức kinh doanh để áp dụng từng mức thuế hợp lý… Vì vậy, dẫn đến việc giá thuế đất ở nhiều địa phương thời gian qua không đồng nhất, mức tăng giá khác nhau”.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan sẽ trình với Chính phủ cho phép một số vận dụng trong việc triển khai đối với Nghị định 121 cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
“Trong khi chờ văn bản hướng dẫn cụ thể đề nghị các cơ quan Thuế, Sở Tài chính tại các tỉnh, thành phố không nên gây bức xúc cho các doanh nghiệp, đôi lúc “cái ta ra chưa chắc đã đúng”, ông Tuấn nói.