Mặc dù chính quyền TP.HCM rất khuyến khích doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ, nhưng số lượng chung cư được xây mới vẫn rất khiêm tốn.
Hiện mới có một số doanh nghiệp tham gia vào việc cải tạo chung cư cũ như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Gia Khang, Công ty TNHH Gia Khang Hà Nội, Tổng công ty CP Vinaconex đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1; Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư NaKyCo đăng ký đầu tư xây dựng mới, thay thế chung cư cũ tại 19/9 Tân Kỳ - Tân Quý, quận Tân Phú; chung cư Tân Phước, quận 11, do Công ty cổ phần Bất động sản Tân Phước làm chủ đầu tư; Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) đăng ký đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1, cụm chung cư Ngô Gia Tự quận 10 và cụm chung cư cũ trên địa bàn quận 4…
Nhìn tổng quan, những chung cư mà doanh nghiệp đăng ký cải tạo là những chung cư nằm tại “đất vàng” của Thành phố, còn những khu khác thì chưa có nhà đầu tư nào ngó đến.
Ông Lê Tấn, chủ một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM cho rằng, nhiều quy định pháp luật đang bó chân doanh nghiệp khi muốn cải tạo chung cư cũ. Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn mang nặng về biện pháp hành chính, chưa đi vào bản chất, nên chưa khơi thông quyền tự do định đoạt của các chủ sở hữu chung cư.
“Chưa có chính sách về tín dụng đối với khoản chênh lệch giá trị những trường hợp di dời khỏi nhà chung cư cũ để mua nhà ở mới, hoặc mua căn hộ tái định cư tại chỗ khi xây mới xong. Nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ tín dụng sẽ giúp giải quyết vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ dễ dàng hơn, bởi người dân có tâm lý sợ di dời ra khỏi chung cư cũ sẽ không đủ tiền mua nhà mới”, ông Tấn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng giám đốc công ty Xây dựng Thành Thái cho rằng, một vấn đề đang bó chân doanh nghiệp, đó là Nghị định 101/2015/NĐ-CP đã không nêu chỉ tiêu về dân số. Điều này khiến cho ưu đãi nâng chiều cao công trình hóa vô nghĩa, do chủ đầu tư không được phép tăng số căn hộ tại tòa nhà.
Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn chủ đầu tư cũng còn bất cập. Nghị định 101/2015/NĐ-CP giao quyền lựa chọn chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ cho tập thể người dân sống tại chung cư đó. Điều này gây ra khó khăn rất lớn cho chính quyền các địa phương, bởi tìm được sự đồng thuận của hàng trăm con người về lựa chọn một chủ đầu tư nào đó là cực khó. Đó là chưa kể, đa số người dân không có đủ thông tin để có thể lựa chọn được một chủ đầu tư có năng lực.
“Một bất cập nữa, đó là theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải có quyền sử dụng đất khi tiến hành cải tạo chung cư, nhưng làm sao doanh nghiệp có được những giấy tờ này khi dự án là cải tạo lại”, ông Thắng nói.
Một chủ đầu tư đang xin cải tạo chung cư 727 - Trần Hưng Đạo (quận 5) cho rằng, chính quyền chưa có biện pháp cưỡng chế giải tỏa mặt bằng. Tại chung cư này có 500 hộ dân, đa số đã giải tỏa xong, chỉ còn 16 hộ không đồng ý, khiến cho tiến độ di dời chậm 10 năm nay. Theo tìm hiểu thì những hộ này đều là dân đầu cơ mua căn hộ để hưởng đền bù và nhà tái định cư. Chính vì chính quyền không cương quyết mà hàng trăm người dân phải chịu thiệt.
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, kiến nghị những giải pháp mới để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải tạo chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trong văn bản kiến nghị, TP.HCM đưa ra ý kiến là ủy quyền cho UBND các quận/huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố như: phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư; phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ; công nhận chủ đầu tư; chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án…
Về chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, UBND các quận/huyện sẽ chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng tiêu chí về việc điều chỉnh chỉ tiêu tại các vị trí chung cư cũ, cũng như việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 để UBND các quận/huyện thực hiện.
Để rút ngắn thời gian thỏa thuận bồi thường, UBND Thành phố kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường, mà thực hiện phương thức tái định cư theo nguyên tắc: nhà đầu tư được lựa chọn có trách nhiệm ứng vốn để quận/huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân; thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho UBND quận/huyện để tổ chức bố trí tái định cư cho các hộ dân...
Gia Huy (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.