CafeLand – Thủ tục hành chính nặng nề, lợi nhuận thấp, chính sách ưu đãi doanh nghiệp và người mua chưa tương xứng, số lượng dự án khiêm tốn…. là những rào cản khiến nhà ở xã hội kém hấp dẫn trong mắt doanh nghiệp và chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp.

Nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp.

Số lượng dự án ít ỏi

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội – Thực trạng, dự báo và giải pháp” do đơn vị này tổ chức sáng 28/9/2016, từ khi Luật Nhà ở 2006 có hiệu lực, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 51 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích đất hơn 150 ha với 48.587 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2006 – 2010, có 2 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với quy mô 118 căn, diện tích xây dựng sàn 10.090m2, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, chủ yếu phục vụ cán bộ, công nhân viên chức thành phố.

Tính đến năm 2015, thành phố hoàn thành 12 dự án nhà ở xã hội với quy mô 3.886 căn hộ, trong đó có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố với 568 căn hộ và 6 dự án là vốn ngoài ngân sách với quy mô 3.318 căn.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, kết quả này còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhu cầu nhà ở của những người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố.

Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, thành phố sẽ tiếp tục triển khai 39 dự án với tổng diện tích đất hơn 140 ha với quy mô 44.701 căn hộ. Hiện nay đã có 8 dự án được khởi công với tổng diện tích đất là 7,44 ha, quy mô 4.224 căn hộ; 12 dự án đã được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích đất là 30,73 ha có quy mô 11.793 căn hộ; 19 dự án đã được công nhận chủ đầu tư hoặc chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất là 102,24 ha có quy mô 28.684 căn hộ.

Về tình hình cho vay vốn gói 30.000 tỷ trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 31/8/2016, hạn mức tín dụng cam kết là 8.063 tỷ đồng cho 10.979 khách hàng (1.543 tỷ đồng cho 8 doanh nghiệp và 6.520 tỷ đồng cho 10.971 cá nhân); giải ngân được 6.764 tỷ đồng cho 10.749 khách hàng.

Nhiều rào cản

Ông Dư Phước Tân -Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, hiện có rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho người thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở xã hội. Trong đó, có việc thủ tục xét duyệt quá rắc rối, việc chứng minh thu nhập không hợp lý, thời gian chờ đợi rất lâu. Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở xã hội được thiết kế, xây dựng với diện tích nhỏ, không thuận tiện sinh hoạt, các dự án triển khai ở vị trí quá xa trung tâm, gây khó khăn đi lại, chất lượng xây dựng không đảm bảo.

“nhiều ý kiến phản ánh trong lúc thu nhập chưa tương xứng cho chi trả lâu dài, quy định phải đóng trước 20 – 30% trong trường hợp đăng ký thuê mua nhà ở xã hội gặp khó khăn, người mua không đủ tiền đóng lâu dài do lãi suất đóng vẫn còn khá cao”, ông Tân nói.

Tiến sĩ Lân cho rằng, để tạo điều kiện thuân lợi cho người dân có thể mua nhà ở xã hội thì nên xem xét lại thủ tục chứng minh thu nhập, cần dựa vào mức lương trung bình của cả năm để xét duyệt chứ không phải căn cứ thu nhập cá nhân theo tháng. Nhà nước cần đưa ra các gói vay hỗ trợ với lãi suất thấp, kéo dài thời gian vay càng lâu càng tốt…

Theo ông Trương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân, nhiều doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư vào nhà ở xã hội. Lý do, thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở xã hội tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư, trong khi lợi nhuận định mức lại bị khống chế ở mức 10% và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không được tự quyết định về giá bán khiến cho chủ đầu tư không muốn tham gia vào thị trường kém hấp dẫn này.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội chưa đủ sức bật, các gói ưu đãi về tín dụng chủ yếu và có tính quyết định thì lại không được duy trì thường xuyên và có định hướng rõ ràng. Cụ thể việc kết thúc gói 30.000 tỷ nhưng các gói hỗ trợ tiếp theo vẫn chưa được triển khai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.

Một nguyên nhân khác là thiếu quỹ đất. Sự thiếu hụt này có thể đến do công tác quy hoạch, khi địa phương chưa chủ động định rõ những khu đất dành riêng cho nhà ở xã hội. Theo quy định hiện nay, tất cả các chủ đầu tư muốn công nhận chủ đầu tư đều phải hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn chưa có một cơ chế riêng cho nhà ở xã hội.

Ông Tuấn kiến nghị, nhằm làm giảm bớt thời gian thủ tục hành chính thì nên tập trung về một cơ quan như Sở Xây dựng làm đầu mối toàn bộ thủ tục. Tránh việc các doanh nghiệp phải chạy nhiều cơ quan khác nhau như hiện nay. “trong khi ở các tỉnh chúng tôi thực hiện thủ tục rất nhanh, có khi chỉ cần gọi điện là được giải quyết ngay, nhưng tại thành phố có những dự án chúng tôi đã mất hơn 2 năm nhưng vẫn chưa xong được thủ tục”, ông Tuấn bức xúc.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà nên mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, cần sớm có các gói hỗ trợ tín dụng, mở rộng cho phép nhiều ngân hàng được cho vay vốn xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận, bên cạnh nguyên về thủ tục hành chính thì hiện nhiều dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn vì vướng đền bù giải tỏa, doanh nghiệp không huy động được vốn khiến dự án bị đình trệ nhiều năm.

Ông Tuấn cho biết, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, quỹ đất nhà ở xã hội, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lãi suất vay mua nhà ở xã hội từ 3% - 3,5%, thời hạn cho vay tối thiểu là 20 năm, ân hạn từ 6 tháng đến 3 năm mà người vay chưa trả lãi vay. Cho phép các doanh nghiệp đầu tư dự án có quy mô 10 ha trở lên được đề xuất một trong ba phương án: xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, hoán đổi quỹ đất hoặc nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại một vị trí khác, thanh toán bằng tiền tùy điều kiện cụ thể của từng dự án. Ngoài ra, các dự án áp dụng thiết kế mẫu sẽ được miễn các thủ tục xin ý kiến thiểt kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công, cấp giấy phép xây dựng.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.