“Khi được đầu tư, ngoài việc tạo thêm quỹ đất ở, dự án còn tạo thêm quỹ đất công cộng ước tính khoảng 30 ha, chiếm 60% diện tích quy hoạch của dự án, phục vụ nhu cầu phát triển hiện nay và tương lai của huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện truyền thông Công ty CP Phát triển Lý Sơn (Công ty Lý Sơn - PV), chủ đầu tư dự án khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes (dự án The Sea Eyes - PV) cho biết như trên.
Người dân khó đồng thuận
Sau Tết âm lịch, người dân đảo Lý Sơn vẫn còn hân hoan hậu mùa lễ hội đua thuyền truyền thống hằng năm. Trước đình làng An Vĩnh, các bô lão vẫn chưa dứt lời khen đội đua thuyền vô địch năm nay - đội thuyền rồng xã An Hải. Nhưng trong câu chuyện vui sau Tết lại xen lẫn trầm tư khi thông tin về dự án The Sea Eyes muốn lấp 51 ha biển thì trường đua thuyền sẽ chỉ còn là quá khứ.
Ông Phù Nhất (thôn Tây, xã An Vĩnh) than thở: “Họ (chủ đầu tư - PV) làm biệt thự lên bán cho đại gia các nơi khác đến, chứ dân ở đây có tiền để mua đâu mà nói là tạo quỹ đất ở cho dân”.
Sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn, ông Nhất hiểu rõ hồn cốt thiêng liêng của đảo này, phần nhiều nằm ngay bến Đình, từ đình làng An Vĩnh hướng tầm mắt ra biển. Cũng tại nơi này, hình ảnh hải đội Hoàng Sa được tái hiện qua lễ khao lề thế lính tổ chức hằng năm. “Lớp lớp biệt thự, khách sạn cao tầng mọc lên án ngữ bến Đình thì còn đâu di tích, còn đâu văn hóa. Chưa kể người dân mất thu nhập từ rong mơ, thạch rau câu… vì bê tông, đất đá lấn biển cũng lấp đi hết” - ông Nhất nói.
Theo tìm hiểu, ngày 20-12-2018, xã An Vĩnh tổ chức họp dân lần đầu về dự án The Sea Eyes. Nhưng do xã chỉ mời được vài chục người tham dự nên các ý kiến chưa đại diện được hết ý chí của dân đảo Lý Sơn.
Trường đua ghe của người dân đảo Lý Sơn, nơi dự án đề xuất lấp đi để làm khu du lịch. Ảnh: TẤN VIỆT
Các bên liên quan nói gì?
Trao đổi với PV, ông Trần Minh Hoằng, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Lý Sơn, cung cấp báo cáo của huyện này về kết quả các lần họp dân nói trên. Tại báo cáo do ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ký có ý kiến của UBND huyện phần nào thể hiện quan điểm của lãnh đạo huyện này.
Cụ thể, theo báo cáo: “Những ý kiến chưa đồng thuận về chủ trương đầu tư do chủ yếu nhìn thấy mặt xung đột trước mắt của dự án, cùng với sự lo lắng về ảnh hưởng tới giá trị văn hóa truyền thống mà chưa nhận thấy tác động của sự lan tỏa đối với sự phát triển chung của huyện đảo trong tương lai... Bởi dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và nhiều vấn đề về kỹ thuật mà ở các giai đoạn tiếp theo sau khi có quyết định chủ trương đầu tư mới giải quyết được như đánh giá tác động môi trường, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi…”.
Ông Lê Quang Thích, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng dự án thực hiện sẽ góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về đất ở cho cư dân trên đảo và nhu cầu định cư trên đảo để kinh doanh dịch vụ. Bởi Lý Sơn có diện tích nhỏ, lại bị sóng biển xâm thực, mật độ dân số cao, nhu cầu đất ở ngày càng nhiều.
Để giải tỏa những băn khoăn của người dân, đại diện truyền thông Công ty Lý Sơn cho hay đơn vị sẽ đầu tư khu vực bãi đua thuyền mới kèm theo đó là khu vực khán đài với vài ngàn mét vuông dọc bờ kè giúp cho nhân dân và du khách đến tham dự lễ hội đua thuyền.
Về vấn đề bảo tồn cảnh quan, không gian hướng biển của khu vực đình, miếu, dinh…, dự án đã nghiên cứu theo hướng giữ nguyên hiện trạng, không xâm phạm cảnh quan. “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để tạo không gian mở, tiếp cận khu vực này bằng các hệ thống đường giao thông, công viên cây xanh” - vị này nói.
Chủ đầu tư cũng cam kết giải quyết kế sinh nhai cho người dân bằng cách ưu tiên cho họ tham gia kinh doanh, buôn bán tại những khu chợ, khu thương mại của dự án.
PV cũng đặt câu hỏi về việc dự án có một phần diện tích nằm trong khu bảo tồn và phục hồi rong biển, quy hoạch nuôi trồng thủy sản của đảo Lý Sơn, chủ đầu tư khẳng định Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã có ý kiến rằng vị trí dự án là vũng nước cạn, nền đáy chủ yếu là san hô chết, cát, rong và cỏ biển. Điều này thể hiện trong Văn bản 148/KBTBLS do ông Phùng Đình Toàn, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn ký, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Dự án The Sea Eyes do Công ty Lý Sơn (công ty con của Công ty CP Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa) đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi xin chủ trương đầu tư, tổng kinh phí dự kiến 1.713 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2022. Dự án sẽ lấn khoảng 51 ha biển cùng với 3,6 ha đất liền để tạo quỹ đất phục vụ hai chức năng chính là thương mại dịch vụ và ở; bốn phân khu là đô thị biển và ba khu cộng đồng dân cư (gồm khu cộng đồng dân cư Việt, khu cộng đồng dân cư Sa Huỳnh và khu cộng đồng dân cư Chăm Pa). Ông Trần Bút, Chủ tịch xã An Vĩnh, cho hay người dân hoàn toàn ý thức được khả năng phát triển du lịch Lý Sơn nếu có các dự án tầm cỡ. Quan trọng là chọn vị trí nào, còn lấp bến Đình thì không được. “Nếu đổi vị trí khác thì dân thống nhất ngay, còn ở đây thì chắc chắn không khả thi vì người dân muốn giữ yếu tố truyền thống, tâm linh và bảo tồn” - ông Bút nói. |
-
Doanh nghiệp lọc dầu tỷ đô duy nhất do Việt Nam sở hữu chốt ngày lên sàn HoSE
HĐQT Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) quyết định sẽ đăng ký giao dịch lần đầu hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR trên Sở Giao dịch Chứng TP.HCM (HoSE) từ ngày 17/1/2025.
-
Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Quảng Ngãi: Vốn đầu tư dự kiến 16 - 20 tỷ USD, tạo ra 30.000 việc làm mới
Đến năm 2050, Trung tâm lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất sẽ trở thành trung tâm năng lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á, với tổng sản lượng đạt khoảng 25 triệu tấn dầu quy đổi, tạo ra hơn 30.000 việc làm mới....
-
Cổ phiếu một “ông lớn” tỷ USD sắp lên sàn HoSE
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa chấp thuận hồ sơ đăng ký niêm yết cho hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.