Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, khi phát triển một dự án bất động sản, doanh nghiệp cần có ba yếu tố: đất, pháp lý và tài chính doanh nghiệp. Trong đó, muốn xây một dự án nào đó đất phải đúng quy hoạch. Muốn làm một dự án hiện nay rất khó khăn.
Ông Phúc chia sẻ, hiện các yếu tố đầu vào của bất động sản đều đang tăng rất cao, nên doanh nghiệp dù muốn cũng không thể phát triển nhà ở giá rẻ hoặc tăng nguồn cung cho thị trường. Doanh nghiệp quan tâm các dự án nhà ở xã hội nhưng để tiếp cận thì không đơn giản. Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, sau đó tổng kết lại đa phần đều lỗ, không hiệu quả. Việc quyết toán nhà ở xã hội rất khó khăn.
Ông Phúc cho biết nhà ở xã hội tương tự như các dự án nhà ở thương mại. Khi thực hiện, doanh nghiệp phải lo thủ tục pháp lý, liên quan đến rất nhiều khâu mà không thể bỏ qua khâu nào. Vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại là thời gian giải quyết thủ tục mất bao lâu.
Ông Phúc cho biết doanh nghiệp ông đang thực hiện một dự án ở Bình Dương. Dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về pháp lý, nhưng dự án vẫn mất đến 2,5 năm mới hoàn tất thủ tục.
Việc hoàn thiện pháp lý cho dự án không đơn giản chỉ là doanh nghiệp đến sở rồi sẽ có công văn mà phải chờ các sở, ban, ngành liên quan có ý kiến. Thời gian chờ đợi thủ tục phải theo quy định nhưng thường trễ hẹn.
“Thời gian làm thủ tục pháp lý rất lâu và ảnh hưởng lớn đến chi phí doanh nghiệp”, ông Phúc nói và đưa ra ví dụ một doanh nghiệp mua một lô đất 300 tỉ đồng, mỗi năm mất 10% chi phí lãi vay, tức 30 tỉ đồng. Chi phí này doanh nghiệp buộc phải cộng vào giá. Ngoài ra, chi phí nguyên vật liệu tăng cũng góp phần đẩy giá bán nhà lên cao.
Cuối cùng là năng lực tài chính doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn. Nhưng theo ông Phúc, thực tế điểm mạnh nhất của doanh nghiệp là dùng nguồn lực vốn, kinh nghiệm để làm kinh doanh. Vấn đề lớn nhất với họ là quỹ đất và thủ tục pháp lý.
“Doanh nghiệp rất muốn tăng nguồn cung, nhưng họ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý dự án. Vấn đề của các địa phương là cần tạo quỹ đất để doanh nghiệp tham gia làm dự án”, ông Phúc đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding, cho biết doanh nghiệp ông đã mất tới 4 năm để hoàn thành thủ tục pháp lý cho một dự án tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, từ khi có được chấp thuận chủ đầu tư đến khi hoàn thành thủ tục pháp lý.
“Nếu mỗi năm mất 10% về lãi vay thì chúng tôi phải mất 4 năm trả khoản lãi vay đó”, ông Hậu nói và cho rằng tốc độ thủ tục pháp lý dự án TP.HCM quá chậm đã khiến số lượng các dự án được phép mở bán chỉ khoảng vài chục dự án mỗi năm, trong khi đó trước đây là hàng trăm dự án.
Ông Mai Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết sở đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh quy trình đầu tư.
Theo quy định, đối với đất doanh nghiệp tự bồi thường sẽ có 4 bước thực hiện, thời gian thực hiện 150 ngày, nhưng hiện đang rà soát lấy ý kiến sở ngành để rút ngắn xuống còn 130 ngày. Đối với dự án liên quan đến đất công, thủ tục, trình tự cũng rất phức tạp. Nhưng TP.HCM sẽ rút ngắn thời gian từ 305 ngày xuống còn 270 ngày.
Ông Tùng cho biết hiện thành phố có một số khu đất để phát triển nhà xã hội, nhà thu nhập thấp. Khi rà soát xong, thành phố sẽ mời gọi đầu tư theo quy định.
Chia sẻ tại hội thảo về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đặt câu hỏi về quy trình xử lý đất đai, rằng tại sao các tỉnh là 1-1,5 năm mà TP.HCM phải mất 4 năm trong khi quy trình, thủ tục là quy định chung?
Theo ông Khởi, đầu tư bất động sản là lĩnh vực đa ngành, liên quan nhiều ngành, các ngành lại có quy định về quy trình, thủ tục riêng. Vì vậy, liên quan đến thực hiện các dự án bất động sản không thể nói nhanh được nhưng vấn đề cần xác định là bao lâu.
“Cần nhìn lại vì tại sao một số tỉnh nhanh, một số tỉnh chậm. Các địa phương cần quyết liệt hơn trong thực hiện, làm rõ các bước thủ tục, xác định trách nhiệm ở từng bộ phận”, ông Khởi đề nghị.
-
Hôm nay (21/1), tuyến metro hơn 43.700 tỷ đồng sẽ chính thức thu phí
Sau 1 tháng chạy thử nghiệm và miễn phí, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức thu phí từ ngày 21/1. Việc thu phí được kỳ vọng sẽ giúp tuyến metro duy trì hoạt động bền vững và đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, bảo trì....
-
Hơn 400ha xây dựng vượt quy hoạch, Phú Mỹ Hưng đã làm gì tại khu đô thị cùng tên?
Theo kết luận thanh tra (KLTT) số 09/TB-TTTP-P5, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh xác định Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng có nhiều sai sót và vi phạm trong việc triển khai xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cụ thể, diện tích xây dựng đã vượt hơn 40...
-
Có gì ở công viên sáng tạo lớn nhất TP. Thủ Đức vừa vận hành?
Công viên sáng tạo TP. Thủ Đức có quy mô khoảng 10ha, kéo dài khoảng 1km dọc bờ sông Sài Gòn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm. Đây là vị trí đắc địa bậc nhất TP. Thủ Đức với hàng loạt công trình hiện đại, đã và đang hình thành trung tâm tài chính mới ...