Với lãi suất bình quân khoảng 20 - 22%/năm hiện nay, mỗi quý nhóm doanh nghiệp (DN) bất động sản phải trả lãi khoảng 7.000 tỷ đồng cho số nợ vay 200.000 tỷ đồng.
Hiện nay, số tiền mặt mà công ty BĐS, xây dựng đang niêm yết nắm giữ chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng. Như vậy, số tiền này chỉ đủ trả lãi vay cho hơn 1 quý khi mà số tiền vay của nhóm DN này đã là 200.000 tỷ đồng. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM, với lãi suất bình quân khoảng 20 - 22%/năm như hiện nay, mỗi quý nhóm DN BĐS phải trả lãi khoảng 7.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp địa ốc trả lãi “khủng” cho ngân hàng

DN bất động sản trả lãi khủng 7.000 tỷ đồng mỗi quý (Ảnh minh họa)


Theo thống kê cho thấy, hiện có đến 60 - 70% DN đang trong tình trạng “chạy ăn từng bữa”, trong khi mỗi tháng các DN này mất tới 50-60 tỷ đồng chi phí điều hành. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang trong cảnh “ngắc ngoải”, có thể rơi vào con đường phá sản bất cứ lúc nào.


Nhiều chuyên gia BĐS cảnh báo, trong xu thế nền kinh tế tiếp tục khó khăn như hiện nay, bên cạnh việc ngân hàng không còn tiền và một số nhà băng lại tuyên bố "năm nay không chơi với BĐS" thì số DN phá sản sẽ tiếp tục gia tăng hàng loạt.


Thời gian qua, Tổng cục thuế liên tục công bố nhiều đại gia BĐS nợ thuế. Tuy nhiên, theo nhiều đại gia BĐS thì họ thà chịu phạt chậm nợ thuế còn hơn việc vay trả lãi ngân hàng. Không những thế, nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng cũng không có cơ hội thực hiện.


Một công ty nhập khẩu kinh doanh sắt thép xây dựng tại Q.Tân Bình cho biết, hiện nay họ đang nợ thuế nhưng chưa trả được, vì ngân hàng không cho vay vốn thêm và đang phong tỏa hết số tài sản, hàng hóa.


Đó chưa phải là trường hợp duy nhất khi có nhiều DN lớn khác cũng đang khó khăn chồng chất, dẫn đến nợ thuế, nợ tiền nhân công... cũng chỉ vì đã "lỡ cầm cố, thế chấp" tài sản cho ngân hàng hoặc ngân hàng không giải ngân thêm.


Theo Cục Thuế TP HCM, nợ thuế 2 tháng đầu năm 2012 đã tăng 15% so với trước, và phần nhiều lại là những công ty đóng thuế tốt những năm trước. Nguyên nhân do một số công ty đang khó khăn về tiền mặt, tồn đọng hàng...


Trong tình hình nợ thuế, nợ ngân hàng như hiện nay, các DN BĐS sẽ có một năm “đáng nhớ” khi phải ngụp lặn trong nợ nần và vay mượn.

Theo Người đưa tin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.