16/02/2012 2:55 AM
CafeLand – Không phải “dân chuyên” trong ngành nhà đất, nhiều doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư vào bất động đã tỏ ra "biết sợ" và co cụm trước cơn bão khó khăn. Còn một số doanh nghiệp đã tạo lập tên tuổi từ ngành nghề chính là bất động sản cũng có nhiều động thái chuyển dịch.
Năm 2011, thị trường bất động sản chứng kiến cảnh “thay tên, đổi chủ” của hàng loạt các dự án từ nhỏ đến lớn. Trong đó, một đơn vị tạo lập bất động sản đình đám là Vingroup đã liên tục công bố chuyển nhượng phần vốn góp, rút khỏi nhiều dự án, trong đó có dự án Sun City (quận Thanh Xuân, Hà Nội), dự án Viettronics Đống Đa và chuyển nhượng tháp B khối văn phòng của tòa nhà Vincom Center Hà Nội.

Theo giải trình của tập đoàn này, những động thái nêu trên chỉ nhằm dồn toàn lực để tập trung và đảm bảo cao hơn chất lượng và tiến độ một loạt dự án trong điểm như Royal City, Times City, Vincom Village của đơn vị như cam kết với khách hàng.

Kinh doanh bất động sản trong thời kỳ trầm lắng, nhưng ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phát Đạt vẫn là người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán năm 2011 với tài sản khoảng 1.444 tỷ đồng.

Trước cơn “bĩ cực” của thị trường, Công ty Phát Đạt vẫn chính thức bổ sung thêm nghành nghề kinh doanh mới là… trồng rừng. Dù vẫn thừa nhận bất động sản là ngành cốt lõi của doanh nghiệp, nhưng ông chủ Công ty Phát Đạt thừa nhận trồng rừng “sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định”, từ đó lấy ngắn nuôi dài.

Mặc dù thị trường bất động sản trong năm nay sẽ còn nhiều khó khăn nhưng “ông lớn” bất động sản này nhận định sẽ đủ tiền để tiếp tục triển khai các dự án và trả lãi vay cho ngân hàng khi tiếp tục bán căn hộ ở The EverRich 2 và khu villars ở dự án The EverRich 3.


Doanh nghiệp địa ốc “thu mình” trước khó khăn

Bất động sản không còn là nguồn thu "chủ lực" của các doanh nghiệp. Ảnh: Nguồn HNM


Trong khi đó, dự án Saigon South Center tại Tp.HCM do Công ty Đầu tư bất động sản Việt Nam làm chủ đầu tư cũng chính thức được “chuyển hướng” từ một dự án khu trung tâm thương mại và chung cư trở thành một khu trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống. Trong lúc chờ dự án được phê duyệt, doanh nghiệp này sẽ sử dụng 6.000m2 đất ở đây để làm chợ tạm.

Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng tài sản hiện hữu để sinh lời cho mục đích sau này được doanh nghiệp địa ốc này thực thi triệt để. Trong khi chưa thể ký hợp đồng góp vốn, hay “đóng tiền theo tiến độ”, thì việc thu bạc lẻ từ các gian hàng vẫn là lựa chọn hiện thời của Công ty Đầu tư bất động sản Việt Nam.

Không phải là “dân chuyên” trong ngành bất động sản, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã “tuyên đoán” được khó khăn của thị trường và thực hiện chuyển hướng đầu tư từ nhiều năm trước. Thay vì đầu tư bất động sản như những năm trước đây, vị đại gia này vẫn âm thầm qua Lào đầu tư vào cao su, thủy điện.

Một sự kiện không kém ồn ào là việc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Việt Nam) chính thức thông báo rút khỏi dự án "con đẻ" của mình là tòa nhà dầu khí PVN Tower tại Mễ Trì (Hà Nội). Theo đăng ký ban đầu, PVN Tower sẽ được xây dựng với quy mô 102 tầng, trên diện tích khoảng 30ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo giải trình của Tập đoàn, việc rút khỏi dự án là do thời gian qua Chính phủ đã có chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới phải từng bước thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như tài chính, chứng khoán, bất động sản... nhằm tập trung vốn và sức lực cho lĩnh vực chính của mình.

Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) cũng đã lên tiếng khẳng định tạm dừng đầu tư, "không xin thêm, không mở rộng" lĩnh vực "tay trái" là bất động sản khi đón nhận những dấu hiệu khó khăn của thị trường.

Trước tình trạng khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, các chuyên gia trong ngành nhận định việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản sẽ diễn ra 3 xu hướng.

Thứ nhất, những doanh nghiệp bất động sản có năng lực tài chính nhưng chưa phải là doanh nghiệp mạnh, thì buộc phải chuyển hướng sang đầu tư cho các phân khúc trung bình như nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp,… để tìm kiếm nguồn tiền từ những khách hàng có nhu cầu thực.

Thứ hai, đối với các “đại gia” bất động sản, những doanh nghiệp lớn sẽ sẵn sàng “nằm im” để nghỉ ngơi, nghe ngóng thị trường.

Thứ ba, thị trường vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của tình hình kinh tế vĩ mô. Vì vậy, những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, sẽ có nguy cơ tuyên bố phá sản hoặc bán lại cho công ty khác, có đủ tiềm lực tài chính. Do đó, hoạt động mua bán sáp nhập có thế tiếp tục là tâm điểm của thị trường cho đến khi áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp địa ốc được xoa dịu.

Ngoài ra, Theo ông Ngô Đình Thế Thảo - Giám đốc Kinh doanh & Marketing Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, trong năm nay, thị trường bất động sản sẽ còn đón nhận một hướng kết hợp khá mạnh mẽ giữa doanh nghiệp địa ốc và công ty xây dựng.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.