Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nói, họ đang bị tận thu tiền sử dụng đất và yêu cầu phải khấu trừ nhiều hơn, còn đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, doanh nghiệp quá tham lam vì hầu như các chi phí của doanh nghiệp bỏ ra đều được “thối lại”.
Những bất đồng giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, khiến cuối cùng người dân chịu thiệt, vì những chi phí này được doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành sản phẩm, đẩy giá thành nhà đất lên cao. Bất đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất tiếp tục nóng tại buổi tọa đàm chính sách tiền sử dụng đất các dự án phát triển bất động sản, do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) và Hiệp hội bất động sản TP HCM (Horea) tổ chức ngày 12/10.

DN than bất công

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, tại nhiều dự án, số tiền phải đóng rất lớn, vượt ngoài khả năng của sử dụng đất. Ông Châu còn cho rằng, TP HCM tận thu tiền sử dụng đất. “Các sử dụng đất hiện nay đang ăn dần vào đất của mình, không doanh nghiệp nào bán xong dự án mà có thể mua được một mảnh đất tương tự để kinh doanh tiếp”, ông Châu nói. Ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Horea, phụ họa thêm, việc Nhà nước thu tiền một cục là thiếu công bằng. “Nộp một lần trong vòng 3 tháng số tiền khổng lồ, doanh nghiệp không kham nổi”.

Doanh nghiệp đang ăn dần vào đất của mình
Việc tận thu tiền sử dụng đất đẩy giá nhà đất tăng cao, khiến cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân càng khó. Ảnh: N.Sơn.

Theo Phó giám đốc Công ty Đất Lành, Nguyễn Văn Đực, để làm một dự án 10.000 m2, doanh nghiệp phải mua của dân giá 4 triệu đồng một m2 đất nông nghiệp, mặc dù giá quy định là 200.000 đồng. Tính chi phí bồi thường là 40 tỷ đồng, phí hạ tầng khoảng 11 tỷ đồng, tổng cộng đầu tư 10.000 m2 là 51 tỷ đồng nhưng chỉ được dùng 3.000 m2 khai thác đất ở. Nhưng chưa dừng lại, Nhà nước còn thu thêm tiền sử dụng đất theo giá thị trường lên đến 14,8 triệu đồng một m2, tức là khoảng 44 tỷ đồng. Mặc dù tiền sử dụng đất thu theo giá thị trường nhưng khi khấu trừ lại áp dụng giá đất chỉ 200.000 đồng một m2. “Làm như vậy liệu có quá bất công khi mà để có được đất, doanh nghiệp phải bồi thường cho dân với giá thị trường, làm hạ tầng, rồi sau đó Nhà nước nhảy vào thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường”, ông Lành bức xúc.

Việc thu tiền sử dụng đất quá cao và không hợp lý, theo ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, đã đẩy giá thành nhà đất lên cao vì những chi phí này doanh nghiệp cộng vào giá thành sản phẩm, gây khó cho người mua nhà. “Trong chính sách thuế đất, Nhà nước đã lấy rất nhiều thứ không phải của mình”, ông Tâm nói.

Chiều doanh nghiệp, Nhà nước trắng tay!

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá, Sở Tài chính TP HCM, chính sách khấu trừ hiện nay rất thoáng khi đã khấu trừ tất cả chi phí người dân bỏ ra. Tiền sử dụng đất phải theo giá thị trường và chênh lệch địa tô là của Nhà nước, bởi giá trị thặng dư được tạo ra từ những chính sách quy hoạch, đầu tư hạ tầng của Nhà nước.

Theo ông Chiến, những dự án Nhà nước giao đất hiện không có vấn đề gì, chỉ vướng với số ít doanh nghiệp thương lượng đền bù mức giá quá cao với dân. Nhà nước không thể khấu trừ tất cả các chi phí nhà đầu tư bỏ ra, vì như vậy nhà nước không thu được gì.

Cũng vậy, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu doanh nghiệp thỏa thuận đền bù với dân bao nhiêu, Nhà nước phải khấu trừ bấy nhiêu thì hóa ra Nhà nước thất thu. “Nếu khấu trừ theo ý doanh nghiệp thì doanh nghiệp nào cũng đi mua đất của dân với giá cao để dễ dàng trong việc giải phóng mặt bằng, rồi sau đó lấy lại tiền của Nhà nước. Nhà nước chỉ khấu trừ theo phương án được duyệt”, ông Cường nhấn mạnh.

“Nhà nước là chủ sở hữu đất đai nhưng chỉ là danh nghĩa, nên chênh lệch địa tô nhà nước chỉ nên thu 20 - 30% mới đảm bảo công bằng. Ngoài ra, giá đất ban hành phải ổn định trong vòng 5 năm để người dân, doanh nghiệp tính toán được suất đầu tư”, Luật sư Nguyễn Thị Cam.

Theo Đình Sơn (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.