Theo đó, Hà Nội kiến nghị, đối với dự án BĐS, nên có quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục trong việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài (trừ các dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ đã quy định tại Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ), việc điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Theo UBND TP, trường hợp doanh nghiệp chỉ có một dự án, viêc chuyển nhượng vốn cũng đồng thời là chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, với trường hợp doanh nghiệp có nhiều dự án thì việc chuyển nhượng này không rõ. Vì vậy, cần làm rõ việc chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng dự án.
Ngoài
ra, cần bổ sung quy định doanh nghiệp phải hoàn thành vốn góp để thực
hiện dự án thì mới được sử dụng vốn vay, vốn huy động; Bổ sung quy định
về hình thức sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán cổ phần
hay nhận phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp BĐS phải hoàn thành vốn góp để thực hiện dự án thì mới được sử dụng vốn vay, vốn huy động
Về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Hà Nội kiến nghị thực hiện theo quy định của Luật đầu tư là không quá 50 năm. Đối với dự án bán nhà ở thì cho phép thời hạn dài hơn nhưng không quá 70 năm, vì thời gian ổn định sử dụng đất là 70 năm.
UBND Thành phố cũng kiến nghị sửa quy định Điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh BĐS, về tỷ lệ vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư lên thành “Không thấp hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt”; Bổ sung quy định chỉ được phép giao thầu cho nhà đầu tư nước ngoài một tỷ lệ nhất định không lớn hơn 50% trên tổng giá trị dự án và quy định về việc thực hiện chế độ kiểm toán Việt Nam đối với các nhà thầu nước ngoài.
Như trước đó VnMedia đã phản ánh, cơ quan được giao tổng hợp, theo dõi, quản lý các dự án trong giai đoạn đầu tư hiện nay là Sở Xây dựng, tuy nhiên, cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án lại là các sở ngành khác, do đó thông tin về các dự án, các chủ đầu tư dự án và hồ sơ quy hoạch, hồ sơ dự án, hồ sơ đất đai của các dự án sau khi được phê duyệt không được chuyển giao cho Sở Xây dựng, gây nhiều khó khăn trong quản lý. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin quản lý để theo dõi, cập nhật giữa các ngành liên quan.